Xã hội
Hà Tĩnh: Triển khai nhiều hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
03:31 PM 31/10/2022
(LĐXH)- Chăm sóc người có công là một trong những nhiệm vụ chính trị được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quan tâm. Bằng nhiều việc làm thiết thực, đến nay đời sống của các đối tượng người có công trong tỉnh đã được cải thiện, nâng cao.
Điện lực Hà Tĩnh thăm, tặng quà người có công nhân kỷ niệm
75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 301.135 lượt đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Trong đó thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 40.741 người có công, thân nhân người có công; trợ cấp 1 lần 23.099 đối tượng và các chế độ, chính sách khác với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. 35 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời.
Tính từ năm 2012 đến nay, số kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho người có công với cách mạng của tỉnh là 9.340,686 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần 863,123 tỷ đồng; chi mua BHYT cho các đối tượng là 439,633 tỷ đồng; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo 300,142 tỷ đồng, chế độ điều dưỡng 729,325 tỷ đồng; trung bình mỗi năm có trên 220.000 lượt đối tượng người có công và thân nhân được tặng quà. Công tác quy tập mộ liệt sỹ được các cấp, ngành hết sức quan tâm, từ năm 1999 đến nay, đã tổ chức tìm kiếm và quy tập, an táng 800 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về nước.
Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết với cách làm quyết liệt, sáng tạo để chăm lo cuộc sống cho gia đình chính sách, nhờ đó đến nay không còn đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo. Các cấp, ngành đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 4.467 hộ với kinh phí 134 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở người nghèo, nhà chống lũ, nhà ở người có công và nhà văn hóa cộng đồng theo Quyết định số 22/QĐ-TU ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với tổng số tiền hơn 213 tỷ đồng, trong đó thực hiện hỗ trợ  nhà ở cho 777 hộ với kinh phí 54,35 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 233 người và bố trí việc làm cho 134 người theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng và con bệnh binh nặng.
Bên cạnh  đó, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tích cực tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: đóng góp kinh phí, hiện vật hỗ trợ người có công xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà người có công nhân các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ hằng năm; xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, chăm sóc các phần mộ liệt sỹ… Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, cả tỉnh đã đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 76,23 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa 3.071 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 113,846 tỷ đồng; tặng 4.470 sổ tiết kiệm, các trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu trị giá hơn 12 tỷ đồng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Sự tri ân, tôn vinh và quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã cổ vũ, đồng hành cùng các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong các phong trào lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập.
Phát huy truyền thống cách mạng, để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và các hoạt động tri ân thiết thực đối với người có công. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thương binh - liệt sỹ và người có công, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục rà soát, tham mưu xây dựng, trình ban hành các cơ chế, chính sách đối với người có công với cách mạng; tích cực hỗ trợ người có công bằng các việc làm cụ thể, thiết thực nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, đồng hành của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; rà soát, thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo đề án của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 22/QĐ-TU của Tỉnh ủy; đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng và giúp đỡ người có công, phấn đấu 100% gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình tại nơi cư trú. Tập trung giải quyết những tồn đọng, các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tiếp tục thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập, an táng các phần mộ liệt sỹ; xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang, công trình ghi công liệt sỹ trở thành công trình văn hóa - lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ… Thường xuyên tôn vinh, đề cao vai trò gương mẫu, tích cực, ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống của các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công; nhân rộng các điển hình, các tấm gương thương binh “Tàn nhưng không phế”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…/.

Thu Hương
Từ khóa: