Giáo dục - Nghề nghiệp
Hải Hậu chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
03:37 PM 05/12/2022
(LĐXH) - Căn cứ vào những quyết định, thông tư hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) ban hành Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn năm 2022 và thời gian tới...
Hải Hậu tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường
Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn  với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp,  sáng tạo ở nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông  nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua  đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh,  tạo tiền đề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp với chương trình phát triển  kinh tế - xã hội của huyện. Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng  lực sẵn có của cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với  chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tiếp đó, UBND huyên yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện và đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, phù hợp với nhu cầu học nghề của  người lao động và định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ theo quy định. Trong đó, người học nghề là lao động nông thôn, người  khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3  tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện  được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu  số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất  nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.
Về điều kiện hỗ trợ, người học phải đảm bảo các điều kiện (nữ từ 15-55 tuổi; nam từ 15-60 tuổi), có nhu cầu  học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho  người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có  thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề  và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học. Có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác  nhận của UBND cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết  tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.
Chú trọng phát huy tiềm năng và thế mạnh của các làng nghề trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT
Thông qua cơ sở dạy nghề có đăng ký hoạt động dạy nghề được UBND  tỉnh phê duyệt, UBND huyện giao nhiệm vụ năm 2022 cho Trung tâm GDNN - GDTX huyện với chỉ tiêu hỗ trợ học nghề trên địa bàn là 201 người. Tổng kinh phí thực hiện 427 triệu đồng (theo Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND  tỉnh; Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh về việc  điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động  nông thôn gắn với nhu cầu thị trường của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2022).
Trong công tác tổ chức thực hiện, UBND huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, hướng dẫn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường  xuyên tổ chức triển khai kế hoạch dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên  địa bàn. Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện. Thẩm định và ký duyệt danh sách học viên học nghề. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa  bàn. Quản lý các lớp dạy nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng  nông thôn mới năm 2022. Tổng hợp báo cáo thường xuyên và đột xuất tiến độ thực hiện, chất lượng  dạy nghề cho lao động nông thôn về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên… triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, tiến độ và thời khóa biểu. Nhân rộng mô hình các lớp dạy nghề có hiệu quả; dạy nghề gắn  với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, tổng hợp theo dõi tình trạng việc  làm, thu nhập của người học sau đào tạo. Rà soát nhu cầu học nghề của lao động  nông thôn trên địa bàn làm cơ sở xây kế hoạch cho những năm tiếp theo. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả cũng như định hướng chuẩn cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giới  thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề những năm tiếp theo./.
NHB