Xã hội
Hải Phòng đề ra nhiều mục tiêu hành động vì người cao tuổi giai đoạn 2022-2025
03:33 PM 08/03/2022
(LĐXH)- UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022-2025 tại thành phố.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia và các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của thành phố phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi.
Tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc người cao tuổi; nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội của Trung ương; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của thành phố, hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao mức sống cho người cao tuổi.
Hội Đông y huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi 
Theo Kế hoạch, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, thành phố có ít nhất 80% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; khoảng 500 người co tuổi trở lên được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; ít nhất 300 hộ gia đình trở lên có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn có các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi; thu hút ít nhất 70% người cao tuổi tham gia.
Ít nhất 70% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thu hút ít nhất 80% người cao tuổi trên địa bàn tham gia.
Ít nhất 90% xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, ít nhất 96% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Hàng năm ít nhất 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các dịch vu y tế; 100% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội…
Để thực hiện được các mục tiêu đó, UBND thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó tập trung tăng cường trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
Phát huy vai trò người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi; tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số; triển khai thực hiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi.
UBND thành phố giao các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, Hội Người cao tuổi thành phố, các cơ quan liên quan trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm, tổ chức, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND thành phố./.
PV
Từ khóa: