Hiệp định BHXH Việt Nam – Hàn Quốc: Thúc đẩy hợp tác toàn diện
(LĐXH) - Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, quy định áp dụng BHXH hiện nay đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng. Cụ thể, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam theo quy định của Luật BHXH Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng tương tự.
Để bảo đảm tuân thủ pháp luật của nước người lao động, tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai nước đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước. Theo tờ trình của Chính phủ, tính đến hết năm 2020 có hơn 27.000 lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; hơn 44.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.
Việc tiến tới ký kết Hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới.
Việc ký các hiệp định BHXH song phương cũng phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế; rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH.
Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng và tạo tiền đề thuận lợi cho việc ký các hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia có quan hệ hợp tác về lao động với Việt Nam.
Trong nội dung của dự thảo hiệp định có 2 nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH. Đó là chưa quy định về thời gian đóng BHXH ở nước ngoài vào tổng thời gian đóng BHXH làm căn cứ để hưởng chế độ hưu trí. Luật cũng chưa quy định về việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có dưới 15 năm đóng BHXH và lao động nam có dưới 20 năm đóng BHXH trong trường hợp cộng gộp thời gian đóng BHXH theo quy định của hiệp định.
Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và các văn bản có liên quan, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc Chính phủ ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ký hiệp định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng BHXH là một trụ cột cơ bản của an sinh xã hội, quyền được bảo hiểm an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản của công dân do đó đề nghị cần giải trình, làm rõ các nội dung của Hiệp định, nhất là các nội dung chưa được quy định trong luật có "làm thay đổi" hay không quyền cơ bản của công dân như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 29 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 nhằm để xác định thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hay Quốc hội phê chuẩn đối với Hiệp định này.
Cũng có ý kiến cho rằng việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan còn thực hiện trong diện hẹp, chưa có ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, trong khi tác động không phải là nhỏ; đề nghị Chính phủ giải trình kỹ hơn về một số vấn đề liên quan như việc thực hiện hiệp định có cần dự liệu điều chỉnh các quy định của pháp luật khác có liên quan hay không.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu tại Việt Nam vẫn phải theo quy định của Luật BHXH Việt Nam. Cùng với đó cần đánh giá tác động tới Quỹ BHXH của nước ta.
“Hiệp định toàn diện về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam là nội dung rất cần thiết, đã được Chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Hiện số lượng lao động của Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam rất đông, ngày càng tăng lên trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việc ký kết hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi về BHXH của người lao động làm việc tại hai quốc gia…”, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận một số nội dung
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đồng tình việc ký kết hiệp định, tuy nhiên đề nghị Chính phủ làm rõ thêm chế tài và hướng xử lý xung đột pháp luật về việc trốn đóng BHXH; tính tương thích của hiệp định này với các hiệp định có liên quan; hiệp định này sau khi có hiệu lực thì có phải sửa các văn bản quy phạm pháp luật nào không?
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc ký kết Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc; đồng thời lưu ý, việc ký Hiệp định phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH, phù hợp với luật pháp Việt Nam, đẩy mạnh đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về BHXH. Việc này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng.
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên cơ sở thực tế.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
07-01-2025 09:06 13
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46