Xã hội
Hiệu quả của chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững ở Quảng Nam
02:54 PM 11/10/2020
(LĐXH) - Sau 3 năm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã giảm, với 9.989 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững.
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 18.000 hộ nghèo và 24.808 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Bình quân mỗi năm, có khoảng 3.600 hộ nghèo và gần 5.000 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Từ sự hỗ trợ của các chính sách giảm nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 13), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2511 Quy định về thực hiện Chính sách. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Sở, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn xác định đối tượng đăng ký và quy trình đăng ký thoát nghèo bền vững; hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ công nhận hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn thực hiện chế độ cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên con hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn thực hiện Chính sách thưởng cho hộ thoát nghèo bền vững và cho cộng đồng thôn có hộ thoát nghèo bền vững. Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững năm 2017-2020, trong đó có bố trí ngân sách tỉnh cho ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay theo Nghị quyết 13; thực hiện quyết toán kinh phí Nghị quyết 13 theo đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cấp bù 100% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông các cấp học và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi; điều chỉnh thời gian được hưởng Chính sách giáo dục khi thoát nghèo bền vững. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn chỉ đạo việc cho cho vay thực hiện khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13.
UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tổ chức hội nghị để triển khai; cơ quan chủ trì là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành liên quan biên soạn nội dung Tờ rơi cấp phát cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo và tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản nhất của chính sách đến với cán bộ thôn, hộ dân; tổ chức các buổi đối thoại chính sách với cán bộ huyện, xã, thôn và hộ dân về chính sách Nghị quyết 13, có lồng ghép với các chính sách giảm nghèo khác có triển khai trên địa bàn; Sở đã hợp đồng với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam (QRT) thực hiện các phóng sự về khuyến khích thoát nghèo bền vững, mở Chuyên mục giảm nghèo bền vững trên sóng QRT; thiết kế biểu mẫu thu thập thông tin hộ thoát nghèo bền vững để xây dựng phần mềm quản lý và thực hiện chính sách khuyến khích,... Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng như thông báo nội dung chính sách trên hệ thống loa phát thanh của thôn, khối phố, xã, phường, thị trấn; tổ chức hội nghị triển khai cho các cán bộ các ngành, đoàn thể và cán bộ Ban dân chính thôn, khối phố; tổ chức đối thoại, giải thích cho hộ nghèo, cận nghèo biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của chính sách tự nguyện đăng ký thoát nghèo, kết hợp cấp phát tài liệu về nội dung Nghị quyết 13 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khác trên địa bàn; Phối hợp với các ngành, địa phương và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam xây dựng 01 phim tài liệu để tuyên truyền gương thoát nghèo tiêu biểu trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến, nêu gương, tạo phong trào đăng ký thoát nghèo mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Nghị quyết 13 thực sự trở thành động lực tiếp sức cho hộ nghèo, đặc biệt là khu vực miền núi.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đến nay sau 3 năm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã giảm. Tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập theo danh sách gốc năm 2016, đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo bền vững theo quy định trong 3 năm là 11.343 hộ/46.710 khẩu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 13 (3.600 hộ/năm x 3 năm =10.800 hộ). UBND cấp xã đã tổ chức rà soát, đánh giá và quyết định công nhận được 9.989 hộ/40.383 khẩu nghèo thoát nghèo bền vững, bình quân mỗi năm công nhận 3.330 hộ, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 13.
Trong số hộ nghèo đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững chủ yếu ở các huyện miền núi: Nam Trà My (đăng ký 1.548 hộ, công nhận 1.529 hộ), Bắc Trà My (đăng ký 1.151 hộ, công nhận 1.039 hộ), Phước Sơn (đăng ký 1.497 hộ, công nhận 1.029 hộ), Đông Giang (đăng ký 908 hộ, công nhận 827 hộ).
Ở khu vực đồng bằng và miền núi thấp, hộ cận nghèo đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững tập trung các huyện: Quế Sơn (đăng ký: 2.062 hộ, công nhận 2016 hộ), Tiên Phước (đăng ký 1.356 hộ, công nhận 1.287 hộ, Thăng Bình (đăng ký 1.104 hộ, công nhận 1.004 hộ) và Duy Xuyên (đăng ký 1.090 hộ, công nhận 1.072 hộ).
Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách tỉnh cấp cho các địa phương thực hiện Nghị quyết 13 trong giai đoạn 2017 - 2019 hơn 345 tỷ đồng, các địa phương đã thực hiện chi trả chế độ chính sách khuyến khích gồm thưởng bằng tiền mặt cho hộ thoát nghèo bền vững, thưởng cho cộng đồng thôn có hộ nghèo, hộ cận nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững, hỗ trợ về y tế  như cấp thẻ bảo hiểm y tế, giáo dục (cấp bù 100% học phí, hỗ trợ chi phí học tập), hỗ trợ về tín dụng.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá: “Nghị quyết 13 thực sự trở thành động lực tiếp sức cho hộ nghèo, đặc biệt là khu vực miền núi. Bởi hộ nghèo cần sinh kế ổn định hoặc nguồn lực tác động sau thoát nghèo mới đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo”. Theo bà Ngọc, Nghị quyết 13 ban hành làm thay đổi nhận thức, cách đánh giá và cách thức hỗ trợ trong công cuộc giảm nghèo của các cơ quan nhà nước, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân và của các đơn vị, cá nhân khi hỗ trợ hộ nghèo. Chính sách giúp nhóm đối tượng nghèo, gồm những hộ không có điều kiện thoát nghèo và yếu thế nhất trong xã hội (hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn, ốm đau đột xuất), cùng với xã hội thực hiện hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, phương tiện sinh hoạt (ti vi, đồ dùng gia dụng...) xây dựng cải thiện nhà ở, công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh... để họ đủ điều kiện vươn lên có cuộc sống tốt hơn./.
Hưng Minh
Từ khóa: