Xã hội
Hiệu quả của Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trong trợ giúp người cao tuổi
04:07 PM 07/11/2022
(LĐXH) - Với việc thành lập và đi vào hoạt động Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở cấp trung ương và địa phương đã hỗ trợ cho nhiều người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cận nghèo có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Một buổi sinh hoạt của  hội viên CLBLTHTGN tại địa phương
Theo Báo cáo của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong 5 năm (2016-2020), thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020, Trung ương Hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 58/63 tỉnh thành phố triển khai thực hiện Đề án, với 2.985 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) được thành lập, với hàng trăm nghìn NCT tham gia và được hưởng lợi như vay vốn từ CLB để tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới; NCT được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc về đời sống vật chất và tinh thần, vị trí, vai trò của NCT được cộng đồng coi trọng, phát huy được nội lực của NCT, nâng cao vị thế của Hội NCT, góp phần làm tốt công tác NCT tại địa phương.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1533/QĐ-TTg, ngày 02/8/2016 phê duyệt Đề án, Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đã bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định số 1533/QĐ-TTg. Trung ương Hội NCT Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án. Để có cơ sở triển khai Đề án thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, Ban Thường vụ TW HNCT Việt Nam có Công văn số 390/CV-HNCT ngày 18/10/2016  đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2016-2020.
Về cơ bản, các CLBLTHTGN đã bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu theo quy định, gồm: 70% là NCT, 60 - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; Tuy nhiên chỉ 1/2 số CLB đạt chỉ tiêu: “Có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập”. Chỉ tiêu “80% CLBLTHTGN được tập huấn và giám sát theo quy chế", đạt nhưng chất lượng chưa đồng đều do ở một số địa phương thiếu nguồn lực. Đã có hàng chục nghìn lượt người cao tuổi nghèo được vay vốn, hướng dẫn, giúp đỡ sinh kế tăng thêm thu nhập và đã thoát nghèo, cận nghèo. Hàng nghìn NCT ốm đau, cô đơn, khuyết tật được chăm sóc tại nhà, được thăm hỏi thường xuyên, thông qua các tình nguyện viên của CLB. Những hoạt động về tư vấn, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ, Hoạt động văn nghệ, thể dục dưỡng sinh đã tăng thêm niềm vui, sức khỏe cho NCT.
Thông qua cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau, dựa vào cộng đồng và 8 mảng hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú nội dung và hiệu quả, CLB đã góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020.
Qua 5 năm triển khai các hoạt động của Đề án, tất cả các địa phương chỉ được cấp kinh phí cho các hoạt động: tập huấn, tuyên truyền, giám sát, quản lý; khó khăn, bất cập nhất của các địa phương là không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho Quỹ Tăng thu nhập, hoạt động, hỗ trợ trang thiết bị như các vật dụng thiết yếu cân, đo huyết áp... trang bị cho các CLB hoạt động. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trên, như các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Hải Dương... Một số tỉnh đã vận động được nguồn quỹ từ kinh phí và các chương trình của địa phương như Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Nông thôn mới, từ ngân sách huyện. Điển hình là tỉnh Thanh Hóa đã cho phép sử dụng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT do Hội NCT quản lý, trong đó 60% nguồn quỹ được chi cho nhân rộng CLBLTHTGN, nhờ giải pháp này Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong cả nước về nhân rộng CLB CLBLTHTGN (700 CLB, chiếm 1/3 tổng số CLB trong cả nước).
Hiệu quả của Đề án cho thấy rất rõ, qua thực hiện 8 mặt hoạt động của CLB, đặc biệt hoạt động cho vay vốn tăng gia sản xuất, ví dụ tại Thanh Hóa đã có trên 16.302 NCT nghèo, cận nghèo, khó khăn được CLBLTHTGN cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật làm ăn, tăng gia sản xuất. Kết quả có 14.092 người, chiếm 86,4% đã được tăng thu nhập. 5 năm đã có 26.745 NCT được vay vốn, với tổng số vốn hoạt động tăng thu nhập lên đến trên 38 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần giải quyết được các khó khăn, cải thiện đời sống của gia đình và bản thân, góp phần thoát nghèo, xóa nghèo bền vững cho gia đình. UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định 2298/QĐ-UBND bổ sung nội dung Chi cho hoạt động CLBLTHTGN” vào Điều lệ của Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT của tỉnh tạo tiền đề huy động Quỹ thực hiện Đề án; Tỉnh Hải Dương đã vận động được Quỹ Ngày vì Người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ. Hay như là Phú Thọ, tỉnh đã thành công nhất trong việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng và thành viên CLB, cụ thể tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các xã trước khi thành lập CLB phải vận động các thành viên và cộng đồng đóng góp để mỗi CLBLTHTGN có số quỹ từ 100 triệu trở lên.
Có thể thấy, CLBLTHTGN là mô hình mang tính cộng đồng có những ảnh hưởng lớn tới người dân. Hằng tháng, qua buổi sinh hoạt, các thành viên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, có ý thức giúp nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Thành viên CLB, nhất là người cao tuổi cảm thấy mạnh khỏe, vui vẻ, tự tin và có sự gắn kết tốt hơn với làng xóm. Không chỉ vậy, hoạt động của CLB đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương, thành viên, người dân về quyền của người cao tuổi trong tham gia các hoạt động tại địa phương. Khẳng định rõ vai trò của người cao tuổi, nhất là trong hoạt động phát triển mô hình làm kinh tế tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: