Xã hội
Hiệu quả của vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo tại Thanh Hóa
01:42 PM 20/02/2023
(LĐXH)- Người dân ở các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, xóa bỏ hoàn toàn thôn, bản trắng về tín dụng ưu đãi.
Tại Thanh Hóa, tín dụng chính sách luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 23/KH-TU ngày 30/7/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí Thư (khóa XI).
Qua đó, đã được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện; người dân ở các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, xóa bỏ hoàn toàn thôn, bản trắng về tín dụng ưu đãi.

 Giải ngân vốn vay Ngân hàng Chính sách tại điểm giao dịch xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn

Chương trình cho vay hộ nghèo với gần 912,3 ngàn lượt hộ được vay vốn; nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 91 ngàn lượt lao động; giúp hơn 11,3 ngàn lượt lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; giúp đỡ hơn 448,3 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 83,5 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo…
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 31/8/2022 đạt 11.898,2 tỷ đồng, với hơn 246 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Qua đó, giúp các hộ gia đình nghèo, khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó đảm bảo cuộc sống, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn.
Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2004 - 2005: giảm từ 14,91% (đầu năm 2004) xuống 10,56% (cuối năm 2005), bình quân mỗi năm giảm 2,17%; giai đoạn 2006 - 2010: giảm từ 34,71% (đầu năm 2006) xuống còn 14,93% (cuối năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 3,96%, tốc độ giảm nghèo của tỉnh cao gần gấp 2 lần tốc độ bình quân chung của cả nước.
- Giai đoạn 2011-2015, giảm từ 24,86% (đầu năm 2011) xuống còn 6,99% (cuối năm 2015) bình quân mỗi năm giảm nghèo 3,56%.
- Giai đoạn 2016-2020, giảm từ 13,51% (đầu năm 2016) xuống còn 2,20% (cuối năm 2020) bình quân giảm 2,26%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước còn 2,75% hộ nghèo). Tỷ lệ nghèo của tỉnh năm 2021 là 1,51% (15.125 hộ nghèo) bằng 12,67% so với năm 2004 (11,91%) thấp nhất khu vực Bắc Trung bộ, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước (cả nước còn 2,23% hộ nghèo).
- Đầu giai đoạn 2022 - 2025, Toàn tỉnh có tổng số hộ nghèo: 67.684 hộ chiếm tỷ lệ 6,77%; tổng số hộ cận nghèo: 86.912 hộ chiếm tỷ lệ 8,70% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
- Năm 2022, hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 49.893 hộ, tỷ lệ: 4,99% (toàn tỉnh giảm 17.791 hộ, tương ứng giảm 1,79%, so với rà soát đầu kỳ tháng 5/2022; vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh 0,29%); Hộ cận nghèo cuối năm 2022 giảm còn 68.946 hộ, tỷ lệ: 6,89% (giảm 17.966 hộ, tương ứng giảm 1,81%).
Để tiếp tục nâng cao hiệu của vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan quan tâm rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho hoạt động huy động vốn của NHCSXH trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội; tăng định mức cho vay, kéo dài thời gian... nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới như: cho vay theo chuỗi, cho vay góp vốn, tổ hợp tác, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ có thu nhập trung bình, cho vay thanh niên khởi nghiệp và tự tạo việc làm và các chính sách tín dụng mới cho các đối tượng phát sinh theo yêu cầu trong từng giai đoạn.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tiếp tục tham mưu HĐND, UBND cùng cấp có kế hoạch bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo lập nguồn vốn ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan và NHCSXH cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, gắn với việc quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ ở các cấp để rút ra bài học kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức quán triệt sâu rộng và đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội./.
PV
Từ khóa: