Hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm ở Quảng Ninh
(LĐXH)-Công tác phòng, chống mại dâm hiện đang được tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thực tiễn. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cũng tích cực tích cực ủng hộ, vào cuộc thực hiện với “cuộc chiến” này.
Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có 4.455 cơ sở kinh doanh dịch vụ (2.526 cơ sở lưu trú, 570 cơ sở Karaoke, massage, 05 vũ trường, 1.354 quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn); trong đó có 167 cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm: 47 cơ sở lưu trú, 63 cơ sở karaoke và massage, 01 vũ trường, 56 cơ sở loại hình khác như cafe, nhà hàng...
Căn cứ vào tình hình thực tế, Quảng Ninh đã dành nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm. Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể đối với Chương trình phòng, chống mại dâm, đó là: 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm; ít nhất 60% các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm và có ít nhất 75% số xã, phường, thị trấn tổ chức được một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Đồng thời, mỗi năm, tổ chức rà soát, kiểm tra, giám sát ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; tăng 4 - 6% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm.
Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy và mại dâm, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tại Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật phòng, chống mại dâm, tuyên truyền về những tấm gương, những mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống. Công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn như như: diễu hành, phát tờ rơi, panô, áp phích, mở cuộc thi với hình thức sân khấu hoá, việc tuyên truyền đã thu hút được rất nhiều người dân hưởng ứng và tham gia.
Trong 20 năm qua (2003-2023), tại Quảng Ninh, các lực lượng ở cơ sở đã tham mưu tổ chức hơn 4.053 lớp tập huấn, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ cho hơn 91.720 hội viên, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và 116.280 lượt quần chúng nhân dân tham gia; cấp phát 1.352.800 tờ rơi, tờ gấp, 67.250 áp phích, 35.000 quyển tài liệu có các nội dung về phòng, chống mại dâm, tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS; ban hành 763 thông báo về tình hình an ninh trật tự, phản ánh gương người tốt, việc tốt. Xây dựng trên 13.500 buổi truyền thanh cơ sở có các nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức trên 500 buổi diễn kịch, chèo, sân khấu hóa; đưa 14.528 tin, bài, ảnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát 30.000 cuốn tạp chí chuyên đề; Tạp chí phòng, chống AIDS; Bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm cho các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở; 3 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh (Đoàn chèo, Đoàn cải lương, Đoàn kịch nói) dàn dựng các vở diễn có đề tài phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác, đã biểu diễn hơn 500 buổi, thu hút hàng chục vạn người xem.
Trong công tác phòng, chống mại dâm, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được 8 mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Các mô hình này đang được triển khai tại 5/8 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm. Đó là: Phường Đại Yên, Hà Khẩu, Yết Kiêu (thành phố Hạ Long), phường Nam Khê (thành phố Uông Bí); phường Cẩm Thủy, Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả); phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều), phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên). Thực tế cho thấy, các mô hình hoạt động khá hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động của cộng đồng trong phòng, chống mại dâm tại địa bàn triển khai mô hình, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn mại dâm, giúp phòng ngừa HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đồng thời, thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ; được sự hỗ trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổ chức Care quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai 03 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả (Mô hình 1: “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới”; Mô hình 2: “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng”; Mô hình 3: “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”).
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tệ nạn mại dâm, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm. Hằng năm, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát sâu rộng hàng trăm lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ tập trung tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Đông Triều Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái. Từ năm 2007 đến tháng 6 năm 2023, Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh và các địa phương đã kiểm tra, rà soát trên 5.301 lượt cơ sở, xử lý và phạt tiền 246 cơ sở vi phạm với số tiền 576.250.000 đồng. Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát 1.919 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ tập trung tại các địa bàn trọng điểm Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đông Triều, Quảng Yên. Tỉnh đồng thời triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm hoạt động tệ nạn mại dâm. Qua công tác kiểm tra liên ngành, các Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng ra quyết định xử phạt đối với các cơ sở vi phạm; nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ngăn chặn việc tổ chức trái phép các hoạt động mại dâm, ma túy, cờ bạc của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững địa bàn trong sạch, hạn chế tệ nạn mại dâm, người hoạt động mại dâm, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đảm bảo ổn định, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Mỹ Hạnh
-
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
21-11-2024 17:39 15
-
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
21-11-2024 15:47 57
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
02-10-2024 12:06 10