Xã hội
Hiệu quả từ Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững ở thị xã Ngã Năm
04:35 PM 11/06/2024
(LĐXH) - Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm, cũng như công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép kết hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi vịt xiêm đã giúp 20 hộ gia đình thoát nghèo bền vững ở xã Long Bình trong năm 2023

Theo ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu dẫn đến thị trường lao động trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng giảm việc làm, mất việc làm, dẫn đến giảm thu nhập, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Từ đó, công tác tư vấn đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp đã đề ra, các cấp, các ngành của địa phương đã có sự nỗ lực để công tác tư vấn giới thiệu việc làm, quản lý, tổ chức đào tạo nghề và giảm nghèo trên địa bàn cơ bản được thực hiện tốt.

Cụ thể trong 2023 đã giải quyết việc làm cho 3.599 lao động, trong đó có 35 lượt người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 1.555 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,02%. Đồng thời phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng tổ chức 39 phiên tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm với tổng số 4.548 người lao động tham dự. Bên cạnh đó, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã và UBND các xã/phường tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để giải quyết việc làm tại chỗ. Kết quả hỗ trợ cho 244 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền hơn 7 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Ngoài ra, trong năm 2023, đã có 08 mô hình được triển khai trên địa bàn thị xã với 163 hộ hưởng lợi, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho đối tượng của Chương trình. Điển hình như tại xã Long Bình đã triển khai thực hiện dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong năm 2023 và từ đấu năm 2024 đến nay, xã Long Bình đã triển khai được 2 mô hình chăn nuôi vịt xiêm đã giúp 20 hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi bò mang lại hiểu quả kinh tế cao ở xã Tân Long góp phần giảm nghèo bền vững từ dự án đa dạng hoá sinh kế

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch xã Long Bình cho biết: Qua kết quả thực hiện dự án chăn nuôi vịt xiêm pháp tại địa phương đã đem lại hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo sản xuất, chăn nuôi ngày càng hiệu quả để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời cải thiện điều kiện sản xuất, tạo cô hội việc làm cho hộ dân để phát triển kinh tế cho gia đình, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương đề ra.

Còn theo bà Trương Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND phường 3 ( thị xã Ngã Năm) cho biết, nhằm triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Uỷ ban nhân dân phường 3 đã ban hành dự án số 01/DA – UBND, ngày 15/12/2022 về việc hỗ trợ mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 và Dự án số 02/DAUBND, ngày 7/8/2023 về việc đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững.

Theo đó, công tác tuyên truyền được địa phương triển khai bằng nhiều hình thức như: xây dựng phóng sự, phát thanh, các buổi họp tổ dân cư trong khóm tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhằm phổ biến về chính sách hỗ trợ, điều kiện thực hiện, đối tượng được hỗ trợ, các mô hình sản xuất hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, lồng ghép các hội nghị tập huấn một số tiểu dự án, dự án của chương trình để tuyên truyền sâu rộng mục tiêu, đối tượng, phạm vi, thời gian và nội dung hỗ trợ các dự án thành phần đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, qua đó thị xã đã triển khai 21 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho 1.682 lượt cán bộ, 2 công chức, viên chức, tuyên truyền viên cấp sơ cấp và hơn 3.200 người dân trong cộng đồng tham gia.

Việc triển khai cùng lúc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho  người dân thụ hưởng đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm bền vững.

Bà bà Trương Thị Liễu cho biết, kết quả qua 2 năm triển khai Chương trình tại địa phương đã có hơn 31 hộ tham gia chương trình và thoát nghèo bền vững. Để đạt được kết quả trên theo bà Liễu là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và ban hành các văn bản tổ chức quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình; Nguồn vốn ngân sách của Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung cùa 2 dự án. Các dự án, tiều dự án của Chương trình tập trung đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao giống, cây trồng vật nuôi để tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người lao động. Việc triển khai cùng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đa dạng hoá nhiều dự án cho người dân thu hưởng đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm bền vững.

Học nghề đan lát được giới thiệu vào làm việc cho doanh nghiệp trên địa bàn ở thị xã Ngã Năm

Chia sẻ về được hưởng lợi từ dự án 2 đa dạng sinh kế của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chị Nguyễn Thị Hải Yến, ở xã Long Bình ( thị xã Ngã Năm) cho biết. Chị năm nay đã 48 tuổi, hoàn cảnh gia đình trước đây rất khó khăn do chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Không có nghề nghiệp, chị phải bươn chải bằng cách ai kêu gì làm đó nên thu nhập hết sức bấp bênh. Năm 2023, nhờ được địa phương vận động, chị tham gia học nghề đan lát, đồng thời được giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH MTV thủ công mỹ nghệ Ngọc Hương trên địa bàn. Làm việc hưởng theo sản phẩm, thu nhập của chị tại công ty giờ được hơn 3 triệu mỗi tháng; thời gian còn lại chị nhận thêm sản phẩm làm ở tại nhà cũng kiếm thêm kha khá, đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Chị Yến tâm sự: “Lúc được vận động học nghề, chị cũng đắn đo vì sợ lớn tuổi không làm được việc nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các giáo viên nên học cũng thành thạo. Vui mừng hơn nữa là mình được nhận vào làm việc ngay sau 3 tháng học nghề, có thu nhập ổn định. Hiện tại, chị cũng cho con trai lớn đi học nghề, hy vọng sắp tới có việc làm, cuộc sống của 3 mẹ con sẽ ổn định hơn”.

Mô hình nuôi ếch mang lại kinh tế cao cho hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững

Theo đánh giá của UBND thị xã Ngã Năm, các dự án, tiểu dự án của Chương trình tập trung đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc triển khai cùng lúc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đa dạng nhiều dự án cho người dân thụ hưởng đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm bền vững.

Bên cạnh đạt được một số kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững nhưng hiện nay, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, phạm vi, đối tượng một số dự án khó thực hiện như tiểu dự án 1 thuộc dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) do đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đa phần đã được hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu và nguồn vốn ngân sách tỉnh hằng năm, đối tượng không còn nhiều để mở lớp đào tạo, trong khi hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm và không có phát sinh mới. Đối với người lao động có thu nhập thấp, hiện tại Trung ương vẫn chưa ban hành hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp nên chưa thể mở lớp đào tạo cho đối tượng này./.

  Hoàng Cảnh