Xã hội
Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo ở Vân Đồn
02:21 PM 02/06/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên người nghèo, như: Tín dụng chính sách trên địa bàn; xây nhà cho người nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm... Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Vân Đồn đã được cả hệ thống chính trị chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, đánh giá đánh giá hiện trạng của các hộ nghèo. Để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, công bằng và không bỏ sót đối tượng. Đối với hộ nghèo, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực mà các hộ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. Những hộ có người còn khả năng lao động nhận được hỗ trợ về vốn, giống, tư liệu sản xuất, về dạy nghề, việc làm để tự lực vươn lên thoát nghèo. Những hộ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự thoát nghèo, thuộc diện bảo trợ xã hội thì được hưởng chính sách trợ giúp theo đúng quy định, đầy đủ và kịp thời.
Từ năm 2016 đến 2019, huyện đã chi hỗ trợ gần 28,8 tỷ đồng cho gần 6.400 lượt người thuộc diện hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; cấp gần 3.900 lượt thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; hỗ trợ 80 tấn gạo thiếu đói khi xảy ra thiên tai, cần trợ giúp đột xuất. Bên cạnh đó, huyện bố trí nguồn kinh phí gần 680 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Đầu tư 32 công trình cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số 18 dự án phát triển sản xuất, 264 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng...
Đối với các xã ngoài diện thụ hưởng từ Chương trình 30a và Chương trình 135, huyện triển khai 3 mô hình nuôi bò, trâu sinh sản với 86 hộ nghèo, cận nghèo tham gia; hỗ trợ bà con từng bước thay đổi thói quen canh tác, có ý thức tái đầu tư sản xuất bền vững. Huyện còn tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để tạo điều kiện cho các học viên thuận lợi tìm được việc làm sau đào tạo...
Người dân thu hoạch hàu Thái Bình Dương tại xã Đông Xá (Vân Đồn)
Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Đồn đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, ngân hàng đã xây dựng được các chương trình tín dụng chính sách, vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ vốn cho các nhu cầu vay.
Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Đồn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn. Từ đó, đã hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, xóm, khu phố… đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng vốn vay. Năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2.220 lượt hộ vay, với doanh số cho vay đạt 79,358 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Cùng với chính sách tín dụng, chính sách về học nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm. Theo đó, huyện đã tuyên truyền và thông báo đầy đủ, kịp thời các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài huyện; vận động lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp, KCN trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Trung tâm GDNN&GDTX huyện phối hợp với trường nghề trên địa bàn tỉnh, tổ chức 6 lớp trung cấp nghề gồm: Điện dân dụng, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lưu trú, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cho 245 học viên tham gia.
Cùng với đó, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 3 lớp nghề cho 69 lao động nông thôn; tổ chức truyền thông tư vấn học nghề cho 120 cán bộ trưởng thôn, cộng tác viên thôn, khu; phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tư vấn, giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời, ban hành văn bản giới thiệu trên 16 công ty đến huyện Vân Đồn để tuyển dụng lao động làm việc tại các KCN: Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Việt Hưng, Đông Mai... Qua đó, đã tuyển lao động đi thực tập sinh và làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 1.530 lao động trên địa bàn huyện.
Với những chính sách giảm nghèo hiệu quả, số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từng năm, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Đến cuối năm 2019 số hộ nghèo giảm còn 167 hộ, chiếm 1,43% (giảm 100 hộ, tỷ lệ giảm 0,8%). Trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục chú trọng triển khai linh hoạt, đồng bộ chuỗi giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo./.
Cảnh Minh
Từ khóa: