Tham dự sự kiện bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam; cùng 150 đại biểu đại diện một số bộ, ngành; các tổ chức đoàn thể; các tổ chức trong mạng lưới chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân; đại diện một số đại sứ quán; các tổ chức quốc tế; các nghệ sĩ/người có tầm ảnh hưởng trong xã hội…
Đến thời điểm này, mặc dù được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm nạn mua bán người.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng chống mua bán người của Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó, xác định gần 8.000 người là nạn nhân mua bán người; phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo của Bộ Công an, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người với 103 nạn nhân.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nhấn mạnh: Những năm qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hoặc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đây là một giải pháp căn cơ, vừa góp phần ngăn ngừa vấn đề lao động di cư mất an toàn, vừa giúp đỡ những nạn nhân của mua bán trở về tái hòa nhập xã hội bền vững. Bằng việc sáng tạo và thay đổi hình thức truyền tải nội dung, áp dụng các hình thức nghệ thuật trong kể chuyện nhằm chuyển tải các thông điệp, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về/có nguy cơ bị mua bán để phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả mua bán người.
Để giúp chị em phụ nữ bị mua bán tái hoà nhập cộng đồng, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền năng kinh tế của phụ nữ như: Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối, giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; tổ chức Hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; tổ chức các khóa tập huấn kiến thức về kinh doanh, tài chính, khởi sự doanh nghiệp, đi kèm với chương trình cố vấn kèm cặp bởi các chuyên gia.
Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã trở thành điểm tựa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm bị mua bán trở về. Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hơn 1.700 phụ nữ, trẻ em, trong đó có gần 500 nạn nhân mua bán người. Trong những năm gần đây, Trung tâm không chỉ hỗ trợ tạm lánh an toàn, bình ổn tâm lý, hỗ trợ về y tế, pháp lý...cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán, mà còn tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho các chị em thông qua việc đánh giá năng lực, tư vấn nghề nghiệp, kết nối đưa chị em đi học nghề, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khởi sự - khởi nghiệp kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Trung tâm, nhiều chị em đã có việc làm với thu nhập cao và họ chính là những nhân tố tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ nghề nghiệp cho các chị em yếu thế khác trong cộng đồng.
"Bữa sáng Ruy băng trắng" lần đầu tiên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức ở Việt Nam năm 2015 trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Úc và đã được duy trì, nhân rộng ở nhiều tổ chức và địa phương trong cả nước. Chiến dịch “Ruy băng trắng” là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.
Tại sự kiện, 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phối hợp, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ nói chung. Các đại biểu cam kết sẽ tích cực tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức, kết nối, vận động các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ, mở ra cơ hội việc làm giúp họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống vững vàng. Những thông điệp của sự kiện đã được lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam./.
Đăng Doanh
-
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
06-11-2024 15:27 49
-
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
22-11-2024 14:49 00
-
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
26-11-2024 14:41 29
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
25-11-2024 15:37 59