Xã hội
Hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo ở Hà Giang
12:27 PM 21/11/2016
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2015, toàn tỉnh Hà Giang có 43,65% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, riêng 6 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03% tổng số hộ trên địa bàn huyện nghèo. Trong đó, 70% số hộ nghèo có mức thu nhập dưới ngưỡng chuẩn nghèo.

Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Chương trình chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo như đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt... tiếp tục được xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, thu nhập của hộ nghèo được nâng cao, người dân ngày càng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 41,8% đầu năm 2011 xuống còn 18,1% cuối năm 2015. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2015, toàn tỉnh có 43,65% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, riêng 6 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03% tổng số hộ trên địa bàn huyện nghèo. Trong đó, 70% số hộ nghèo có mức thu nhập dưới ngưỡng chuẩn nghèo.

Từ thực trạng trên, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Hà Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo. Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Hà Giang sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin. Đặc biệt, tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ sinh kế và nâng cao thu nhập của người nghèo thông qua các hoạt động cụ thể như: Đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, đồng thời chú trọng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của địa phương với 5 loại cây con đặc sản chính: Chè, cam, dược liệu, chăn nuôi trâu bò và ong mật để nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo thông qua kết hợp thực hiện đồng bộ các dự án, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn quản lý, huy động lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, các dự án quốc tế, các nguồn lực xã hội hóa... tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận đầy đủ và hiệu quả các chính sách, nguồn lực, thị trường để tạo việc làm và thu nhập ổn định. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi luân chuyển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo chuỗi giá trị hàng hóa; xây dựng và phát triển mô hình “Quỹ phát triển cộng đồng” nhằm phân cấp, trao quyền quyết định cho người dân, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, khuyến khích sự chủ động tích cực tham gia của chính bản thân người nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức phát triển sản xuất; Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đổi mới phương thức, hướng dẫn cách làm ăn; Tận dụng lợi thế nhiều tiềm năng du lịch, Hà Giang sẽ từng bước kết hợp phát triển dịch vụ hàng hóa phục vụ du lịch, tạo việc làm và đa dạng hóa thu nhập cho một bộ phận lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thông qua đổi mới toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động và đưa lao động nông thôn đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Triển khai đồng bộ hệ thống chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phát triển các hợp tác xã, các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ, kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định...

V.KH

 

 

Từ khóa: