Xã hội
Người trẻ trong việc gìn giữ truyền thống Tết cổ truyền
07:16 PM 26/01/2025
(LĐXH) Theo nhịp sống hiện đại, Tết cổ truyền Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, không ít người trẻ vẫn đang cố gắng cân bằng giữa trách nhiệm giữ gìn truyền thống và áp lực của cuộc sống hiện đại.

Thách thức trong việc gìn giữ phát triển giá trị văn hóa của Tết cổ truyền

Tết cổ truyền hay Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam mang theo những giá trị, triết lý nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Đây không chỉ là dịp để các gia đình được đoàn tụ, tri ân tổ tiên mà còn là dịp để mỗi người hướng về cội nguồn. Tuy nhiên, những áp lực từ công việc và học tập đã khiến không ít người trẻ cảm thấy khó khăn trong việc duy trì và tham gia các phong tục truyền thống.

Đối với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn, Tết cũng là thời điểm căng thẳng, áp lực. Ngoài những công việc thường ngày, họ còn phải đối mặt với gánh nặng kinh tế ngày càng gia tăng. Chia sẻ về những khó khăn của mình bạn Bùi Ngân (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tết là dịp để đoàn tụ gia đình và tận hưởng không khí lễ hội, nhưng với mình, chi phí Tết luôn là một gánh nặng. Tiền mua sắm quần áo mới, lì xì, quà cáp cho gia đình và bạn bè, cộng với chi phí đi lại, đôi khi vượt quá khả năng tài chính. Để chuẩn bị đủ tiền, mình thường phải tăng ca nhiều, khiến bản thân rất mệt mỏi".

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ chọn du lịch hoặc nghỉ ngơi thay vì tham gia các hoạt động truyền thống. “Giới trẻ như em thường thích đi du lịch nhiều hơn vào dịp Tết, nhưng cũng không thể bỏ quên gia đình được”, bạn Trần Nguyễn Phương Thảo (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Một thách thức lớn hơn nữa, nhiều bạn trẻ còn thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các phong tục Tết. Những hoạt động truyền thống như cúng giao thừa, khai bút đầu năm, gói bánh chưng hay tảo mộ, vốn là linh hồn của ngày Tết, đang dần bị giới trẻ lãng quên. Bạn Phạm Đồng Mạnh (22 tuổi, Hà Nội), nhận định: “Nhiều bạn trẻ ngày nay mải mê chạy theo những xu hướng mới, coi các phong tục truyền thống không còn quan trọng để tiếp tục duy trì. Nhưng mình nghĩ rằng, song song với việc bảo tồn, chúng ta cũng cần phát triển những giá trị ấy bằng cách hiện đại hóa chúng sao cho phù hợp với cuộc sống ngày nay".

Người trẻ đang gìn giữ và phát triển Tết cổ truyền như thế nào?

Dù gặp phải không ít áp lực cận Tết, người trẻ vẫn mong mỏi ngày Tết Nguyên đán để sắm sửa quần áo mới sau một năm làm việc vất vả, được tân trang cho bản thân và trên hết là đoàn tụ, quây quần bên gia đình sau những ngày làm việc vất vả. Những hoạt động như gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, thắp hương hay đi chùa đầu năm là những cách để họ tìm lại giá trị truyền thống.

Bạn Nguyễn Ngọc Ánh (sinh viên trường Đại học Thương Mại) kể về trải nghiệm của mình: “Mình rất thích gói bánh chưng cùng gia đình, vào bếp phụ mẹ và đi chùa với bố. Những khoảnh khắc này giúp mình cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của Tết và sự gắn kết gia đình”. Cũng tương tự, bạn Đồng Mạnh cùng trường với Ánh: chia sẻ “Mình rất hào hứng với các hoạt động ngày Tết như gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả và thờ cúng tổ tiên. Những công việc này giúp mình yêu gia đình hơn, đồng thời trân trọng những giá trị văn hóa của con người Việt Nam”.

Mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu để người trẻ lan tỏa giá trị Tết đến với cộng đồng. Những hình ảnh, video về các hoạt động ngày Tết không chỉ tạo sự hứng thú và còn khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong các thế hệ trẻ.

Bạn Bùi Thùy Linh (20 tuổi, Hà Nội) kể về cách mình chia sẻ giá trị truyền thống trên mạng xã hội: “Mình thường quay vlog khi về quê, ghi lại những hoạt động như gói bánh chưng, tham dự lễ hội ngày Tết và đăng lên Tiktok. Việc này không chỉ lưu giữ kỷ niệm mà còn giúp mọi người thấy Tết cổ truyền rất thú vị và đáng trân trọng.”

Bên cạnh đó, bạn Nguyễn Quỳnh (21 tuổi, Thái Bình) cũng cho biết đã từng đăng video về các công đoạn gói bánh chưng lên Facebook cá nhân và nhận được nhiều sự quan tâm. Nguyễn Quỳnh gợi ý: “Các bạn trẻ như mình có thể tận dụng mạng xã hội để giới thiệu các phong tục truyền thống của Tết đến với bạn bè quốc tế”.

Không khí Tết được người trẻ cập nhật trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh FB

Nhiều bạn trẻ mong muốn Tết cổ truyền được lan tỏa rộng rãi hơn qua các sự kiện văn hóa như hội chợ Tết, lễ hội trò chơi dân gian, hoặc các buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống. Bạn Nguyễn Ngọc Ánh đề xuất: “Hàng năm, nếu có thêm các sự kiện văn hóa như chợ Tết, lễ hội gói bánh chưng hay trình diễn hát dân ca, thì giới trẻ sẽ dễ dàng tham gia và hiểu rõ hơn về các giá trị truyền thống". Những sự kiện như vậy không chỉ là nơi kết nối cộng đồng mà còn tạo cơ hội để thế hệ trẻ được trải nghiệm và hiểu sâu hơn về phong tục Tết, từ đó xây dựng niềm tự hào văn hóa.


Chương trình ''Tết Việt - Tết Phố 2024" lan toả những giá trị truyền thống dân tộc. Ảnh: VTV News

Người trẻ không chỉ bảo tồn mà còn sáng tạo để phát triển Tết cổ truyền theo cách phù hợp với thời đại. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại không chỉ làm mới các phong tục mà còn khiến chúng gần gũi hơn với cuộc sống ngày nay. Ví dụ, việc trang trí nhà cửa ngày Tết hiện nay không còn chỉ dừng lại ở việc bày mâm ngũ quả và treo câu đối, mà còn kết hợp với các phong cách hiện đại như cây đào mini trang trí đèn LED, mâm cỗ được sắp xếp sáng tạo hơn để phù hợp với không gian sống nhỏ gọn.

Một trong những cách quan trọng để giữ gìn Tết cổ truyền là truyền dạy các giá trị truyền thống cho thế hệ sau. Đây không chỉ là cách bảo tồn văn hóa mà còn là hành động xây dựng niềm tự hào và tình yêu dân tộc trong lòng trẻ nhỏ. Đây là trách nhiệm không chỉ của người trẻ mà còn của cả gia đình và cộng đồng. “Mình luôn mong muốn chỉ dạy cho các em nhỏ trong gia đình về các hoạt động truyền thống như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả hay thờ cúng tổ tiên. Những việc này không chỉ giúp các em hiểu được ý nghĩa của Tết mà còn tạo nên sự gắn kết giữa các thế hệ. Nếu thế hệ trẻ không được hướng dẫn và giáo dục từ nhỏ, rất khó để Tết giữ được bản sắc vốn có" - Đồng Mạnh hào hứng.


Lương Sơn

Từ khóa: Tet 2025 Tet co truyen