Xã hội
Hòa Bình: Chú trọng thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho đối tượng nghèo
11:18 AM 01/09/2023
(LĐXH)-Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hòa Bình, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được xây dựng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trọng tâm trong Chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo. Các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Nhiều lao động vùng sâu, vùng xa ở Hòa Bình đã được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang thực hiện tốt cách chính sách sách giảm nghèo chung và các chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó có Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Các hoạt động được triển khai cụ thể như: đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề, xây mới, nâng cấp một số hạng mục cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; Tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; Tổ chức tuyên truyền về học nghề, chương trình học liệu và mô hình khởi nghiệp; Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp… Cùng với đó, là nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin  để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, Hội chợ việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đối với Tiểu Dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”, với nguồn vốn được giao từ trung ương và tỉnh, Hòa Bình đã thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp cơ sở thực hành và ký túc xá học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình và dự án mở rộng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình và nghề trọng điểm quốc gia; nghiên cứu mô hình khởi nghiệp hiệu quả cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phát triển chương trình, học liệu và tuyên truyền trên    các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động và tư vấn giới thiệu việc làm.
Đối với Tiểu Dự án “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, tổng số nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 1.144 triệu đồng (vốn sự nghiệp). Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tích cực giải ngân vốn để thực hiện dự án hiệu quả.
Đối với Tiểu Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”, với nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh, Hòa Bình đã thực hiện dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin  để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, Hội chợ việc làm…
Nhìn chung, trong các năm 2021 - 2023, các chính sách giảm nghèo được thực hiện thông qua Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong tỉnh. Cụ thể, các đơn vị dạy nghề đã triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Mở 77 lớp dạy nghề cho 2.336 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Thực hiện 06 phóng sự tuyên truyền, 03 cuộc tọa đàm về công tác đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mời thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên gắn kết giữa doanh nghiệp và học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Hòa Bình. Hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 80 người lao động đi xuất khẩu lao động; Hỗ trợ người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức 01 Ngày hội việc làm quy mô cấp tỉnh thu hút 40 doanh nghiệp và 1000 lao động tham  gia; 05 phiên giao dịch việc làm lưu động và 08 lớp tư vấn chuyên đề cho 640 người lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Người lao động nói chung và người lao động ở nhất là các xã vùng sâu, vùng xa đã được tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động nhiệt tình, được nghe các đơn vị tuyển dụng giải đáp một số ý kiến còn băn khoăn như thủ tục tham gia chương trình vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; môi trường, thời gian làm việc tại nước ngoài; quyền lợi khi tham gia một số ngành nghề cụ thể…
Những kết quả trong việc thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững đã góp phần vào kết quả công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và giảm nghèo của tỉnh. Năm 2021, tổng số hộ nghèo tỉnh Hòa Bình giảm còn 34.029 hộ, chiếm tỷ lệ 15,49% so với số  hộ toàn tỉnh; Hộ cận nghèo là: 23.388 hộ, chiếm tỷ lệ 10,65% so với số hộ toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hòa Bình cuối năm 2022 giảm còn 12,29% (tương đương với 27.091 hộ nghèo, giảm 3,2% so với năm 2021, đạt 128% kế hoạch tỉnh giao), đạt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh giao và cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chính sách về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã phát huy tích cực, làm giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tác động trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân. Người nghèo ngày càng phấn khởi, có thêm động lực và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của chính bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng, từ đó vươn lên thoát nghèo./.
Minh Tiến