Xã hội
Hòa Bình đẩy mạnh thực hiện bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: Phòng ngừa – Hỗ Trợ - Can thiệp
11:14 AM 26/08/2024
(LĐXH)-Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa - hỗ trợ và can thiệp.
Thực hiện phòng ngừa các rủi ro, bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, lao động trẻ em..., tỉnh Hòa Bình đã thể chế hóa hệ  đường lói, chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các văn bản, chính sách bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Các cấp, ngành, đoàn thể liên quan đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Gia đình, cộng đồng xã hội đã có ý thức chủ động hơn với chăm sóc, bảo vệ, phòng ngừa xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao hiểu biết, kỹ năng bảo vệ trẻ em và tham gia vào các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã thiết lập đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em, quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục nhà trường, thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học…; Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.
Trường Tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề Phòng tránh đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh
Để thực hiện công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị xâm hại, đến nay hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Hòa Bình đã được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ, hướng địa phương thực hiện các quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị xâm hại theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP; thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021; 100% trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; thực hiện chế độ miễn giảm học phí và chi phí học tập cho học sinh theo quy định Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 81/2021/NĐ-CP; chỉ đạo xây dựng kế hoạch vận động, hỗ trợ trẻ em thuộc vùng khó khăn dụng cụ học tập và phương tiện đi lại; kết nối, hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn hỗ trợ nhiều suất quà trị giá trị (tiền mặt; xe đạp đến trường…).
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng tại Hòa Bình đã được xã hội hóa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị tổn thương được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ dưới nhiều hình thức: trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác. 
Đối với công tác can thiệp, trong 6 tháng qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định số 2728/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND tỉnh về Ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, hỗ trợ các em trở lại sinh hoạt bình thường và hòa nhập với cộng đồng. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận nuôi dưỡng 32 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tại cộng đồng, tổ chức khám sàng lọc tim cho hơn 1.950 trẻ, kết nối khám, phẫu thuật nụ cười cho 13 trẻ, trao học bổng cho trẻ em vượt khó, tổ chức tặng quà cho trẻ khuyết tật, trẻ điều trị tại cơ sở y tế; hỗ trợ đột xuất cho 37 trẻ bị xâm hại, tai nạn thương tích.
Đồng thời Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn nắm bắt tình hình, chủ động triển khai phòng, chống tội phạm lứa tuổi vị thành niên, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, khi nhận được thông tin trẻ em bị xâm hại, bạo lực kịp thời vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng xâm hại để xử lý theo pháp luật.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt kịp thời theo quy trình hỗ trợ, can thiệp tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP. Công tác giáo dục, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được quan tâm. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích giảm so với 6 tháng năm 2023.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, trường học, quan tâm giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hỗ trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông ở trẻ em; chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời… xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em./.
Minh Hằng
 
 
Từ khóa: