Xã hội
Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
07:04 PM 21/07/2023
(LĐXH)- Đó là nội dung Hội thảo do Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2023) và 63 năm thành lập Viện Kiểm sát nhân dân (26.7.1960 – 26.7.2023).
Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (Laodong.vn), Youtube và Fanpage của Báo Lao Động; Báo Bảo vệ pháp luật điện tử (Baovephapluat.vn); Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn), Fanpage của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam…
Các chuyên đề, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư và chính người lao động tại Hội thảo cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ); Nâng cao hiểu biết cho NLĐ về các quy định của pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Giúp NLĐ nhận diện các hành vi vi phạm liên quan đến việc đóng BHXH bắt buộc và cách thức khởi kiện đòi bồi thường, khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm hại...
Quang cảnh Hội thảo
Từ đó nhận định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH; hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý trách nhiệm hình sự khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT... Qua đó, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đầu tư và sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, không để tiếp tục xảy ra những sai sót, nợ đọng kéo dài mà không có hướng giải quyết quyết liệt như thời gian qua...
Đồng thời, xác định các giải pháp, kiến nghị khả thi trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và bảo vệ người lao động.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 15.848 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp này.
Một số BHXH tỉnh, thành phố có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất như: Hà Nội là 4.081 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 4.328 tỷ đồng, Hải Phòng là 650 tỷ đồng, Thanh Hoá là 459 tỷ đồng, Bình Dương là 412 tỷ đồng.
Khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng không.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đó là:
- Nâng cao nhận thức của người tham gia BHXH, tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức, cá nhân có liên quan
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra
- Bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH
Chị Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex chia sẻ tại Hội thảo
- Bổ sung quy định của Luật BHXH để làm rõ các hành vi trốn đóng BHXH, như: NSDLĐ không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định hoặc đăng ký không đủ số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; NSDLĐ đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc theo quy định; NSDLĐ đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Ông Phan Nghiêm.Long, Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
- Bổ sung các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, như: Phải đóng đủ số tiền trốn đóng, bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và tiền phạt trốn đóng tính trên số tiền trốn đóng BHXH;  Ngừng sử dụng hóa đơn đối với NSDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; Hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người đại diện hợp pháp theo pháp luật của NSDLĐ; Khởi kiện ra Tòa án đối với các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ; Khởi tố theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH; Nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện./.
Thảo Lan