Thời sự
Học giả phân tích: Trung Quốc vững vàng trước cuộc chiến thuế quan 2.0
04:00 PM 03/02/2025
(LĐXH) - Tổng thống Trump áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, Mexico, Canada. Bắc Kinh đáp trả không hề sợ hãi, sẵn sàng trả đũa, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán.

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiện thực hóa cam kết tranh cử khi tuyên bố áp thuế quan mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Động thái này được ông Trump giải thích là nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và ma túy từ các quốc gia láng giềng vào Mỹ. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump quy định thuế quan sẽ có hiệu lực từ 0h01 ngày 4/2 (giờ miền Đông nước Mỹ).

Tuy nhiên, tờ SCMP nhận định, Trung Quốc không hề sợ hãi trước cuộc chiến thuế quan phiên bản 2.0 của Trump và Bắc Kinh đã sẵn sàng đáp trả kiên quyết. Dù vậy, vẫn có thể còn dư địa cho những thỏa hiệp và điều chỉnh.

Lý do thuế quan và phản ứng từ các chuyên gia

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giải thích rằng việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là phản ứng cần thiết trước việc "Trung Quốc mua và cho phép fentanyl bất hợp pháp tràn vào nước ta, gây ra cái chết của hàng chục triệu người Mỹ". Nhà Trắng cũng khẳng định thuế quan đối với ba quốc gia (Trung Quốc, Mexico, Canada) sẽ được duy trì cho đến khi có tiến triển đáng kể trong việc ngăn chặn ma túy và nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.


Ảnh minh họa. (Ảnh: GVM)

Ông Dylan Loh, trợ lý giáo sư tại Chương trình Chính sách công và Vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chỉ ra rằng mức thuế 10% mà Washington áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể so với mức 60% mà ông Trump từng đe dọa. Xét tới việc ông Trump từng tiết lộ mức thuế 60% là lằn ranh đỏ trong đàm phán với Trung Quốc, chuyên gia Loh nhận định Bắc Kinh chắc chắn sẽ có phương án đối phó với chiến tranh thuế quan, bao gồm việc áp thuế trả đũa lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, ông Loh dự đoán Trung Quốc có thể không áp thuế toàn diện lên hàng hóa Mỹ: "Tôi tin rằng động thái này sẽ được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để tránh làm leo thang các biện pháp trừng phạt tiếp theo từ Trump. Bản thân động thái này sẽ không gây ra tác động quá lớn đến quan hệ Mỹ-Trung. Hầu hết thị trường đã tính đến yếu tố thuế quan và Bắc Kinh cũng đã lường trước về một cuộc chiến thuế quan".

Trung Quốc "không ngại" vì đã chuẩn bị và có lợi thế

Giáo sư Vương Nghĩa Nguy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, phân tích rằng Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho thuế quan của Trump từ lâu và đây chỉ là vấn đề thời gian. Ông Vương cho rằng, trong giai đoạn "Trump 1.0", thuế quan tập trung vào thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, nhưng chính quyền hiện tại dường như đang sử dụng thuế quan như công cụ để đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ. Ông Vương nhận định "Trump 2.0" có vẻ "quyền lực hơn và dày dặn kinh nghiệm hơn".

"Nhưng Trung Quốc cũng không còn là Trung Quốc của 8 năm trước", ông Vương nhấn mạnh. Theo ông, Mỹ không thể lay chuyển vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và "Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả kiên quyết". Ông nói thêm, Trung Quốc sẽ xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp, đưa các ngành mà Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, như đất hiếm vào danh sách các biện pháp trả đũa tiềm năng. Mặc dù Mỹ đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng quá trình này cần thời gian và chi phí lớn, do đó, đây có thể được xem là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến thuế quan.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh không ngại chiến tranh thuế quan là do nền kinh tế Trung Quốc có độ tự cung tự cấp cao hơn so với các nền kinh tế khác, giúp giảm thiểu tác động từ chiến tranh thuế quan. Ông Vương giải thích, chiến tranh thuế quan cũng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát ở Mỹ, ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước và toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Khả năng đàm phán vẫn còn bỏ ngỏ

Tuy nhiên, ông Vương cũng nhận thấy những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung, và cho rằng "trong ngắn hạn, tình hình có vẻ không quá tệ". Đặc biệt, hai nước có những lợi ích quốc gia tương đồng, Bắc Kinh có thể hợp tác với Washington trong một số lĩnh vực. "Về lâu dài, quan hệ Mỹ-Trung vẫn tồn tại những thách thức mang tính cấu trúc... nhưng việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng thực tế đang tạo ra không gian để hai nước đàm phán", ông Vương nhận định.

Lê Nguyên