Pháp luật
Hỏi - Đáp các qui định về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
12:13 PM 21/04/2019
(LĐXH) Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của các qui định về quản lý, cấp phép đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định về vấn đề này.
Hỏi: Công ty TNHH Seedon Partners (TPHCM) đăng ký và được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ở vị trí nhà quản lý với chức danh Tổng Giám đốc. Người lao động dự kiến cho vị trí này đã được cấp giấy phép lao động cũng tại vị trí nhà quản lý với chức danh Giám đốc ở một công ty khác.
Công ty đã áp dụng Điểm a, Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP về trường hợp đặc biệt để chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, khi nhân viên Công ty đến nộp bộ hồ sơ thì chuyên viên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh từ chối với lý do “chỉ khi trùng vị trí và chức danh thì mới được áp dụng Điểm a, Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP”.
Công ty đã nghiên cứu lại Điểm a, Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP không thấy có yêu cầu về việc phải trùng “chức danh” thì mới được áp dụng.
Vậy, việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh từ chối áp dụng Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP cho hồ sơ của Công ty là đúng hay sai?
Trả lời: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018, thì đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gồm giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 5, 6 và 7, Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và giấy phép lao động hoặc bản sao chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.
 
Hỏi: Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TPHCM) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, Công ty có ký hợp đồng lao động và xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài.
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì Công ty chỉ được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hai lần đối với người lao động, nếu người lao động tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Tuy nhiên, Điều 174 của Bộ luật Lao động quy định, nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp thì giấy phép lao động hết hạn và sẽ bị thu hồi theo Điều 17 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất hỏi, trường hợp Công ty xin ký lại hợp đồng lao động lần thứ ba và xin cấp giấy phép lao động lần ba cho người lao động nước ngoài thì Công ty sẽ ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn theo thời hạn giấy phép lao động được cấp hay ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 và Khoản 3, Điều 15 Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sau khi người lao động nước ngoài được cấp, cấp lại giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới cơ quan đã cấp, cấp lại giấy phép lao động đó.
Đồng thời, theo qui định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Lao động thì giấy phép lao động hết hiệu lực khi nội dung của Hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động./.
 
Từ khóa: