Câu 1: Người lao động được xác định là có việc làm và bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp nào?
Trả lời
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Câu 2: Người lao động có việc làm nhưng không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm thì có được bảo lưu thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận hay không
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm nhưng không thực hiện thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận không được bảo lưu để làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo.
Câu 3: Thời hạn và hình thức nhận kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp người lao động không đến nhận kết quả theo quy định thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu không?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu, cộng dồn để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
Câu 4: Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội trong việc thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do chi trả không đúng theo quyết định hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc chi trả không đúng thời hạn quy định hoặc thu bảo hiểm thất nghiệp không đúng dẫn đến việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định hoặc ban hành và chuyển quyết định hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng thời hạn quy định.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức việc thực hiện thu hồi tiền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sai quy định trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến thu hồi không phải do cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
PBHTN