Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Hỏi: Anh Lê Đình Chính (Thái Nguyên) hỏi: Tôi có thời gian tham gia BHTN từ năm 2011 nay và vừa nghỉ việc tháng 01 vừa qua nhưng chưa hưởng BHTN. Do gia đình chuyển vào tỉnh Khánh Hòa sinh sống nên tôi sẽ vào đó vào tháng sau. Vậy chế độ BHTN của tôi sẽ được tính như thế nào? Tôi có thể hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa được không?
Trả lời
- Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm: Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nếu anh Chính đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho bất cứ trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nào mà anh muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh Chính sẽ được bảo lưu cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo theo quy định nêu trên.
Hỏi: Người lao động trong trường hợp nào được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
PBHTN - PV
Từ khóa:
-
Vượt đèn đỏ nhường đường cho xe ưu tiên không bị xử phạt
16-01-2025 15:55 25
-
Studio Ghibli: Nghệ thuật làm phim vượt thời gian
16-01-2025 11:07 53
-
Các trường hợp phương tiện giao thông bị từ chối kiểm định và cách xử lý
12-01-2025 09:54 12
-
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
31-12-2024 10:28 39
-
Từ 2025, thông báo phạt nguội sẽ được gửi qua ứng dụng VneTraffic
30-12-2024 11:01 10
-
Vụ TikToker Mr Pips lừa đảo: Thu giữ thêm xe sang, biệt thự
27-12-2024 08:28 36
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31