Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
03:30 PM 23/07/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Hỏi: Người lao động được xác định từ chối nhận việc làm không có lý do chính đáng trong trường hợp nào
Trả lời
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối việc làm thuộc một trong các trường hợp sau, được xác định là không có lý do chính đáng:
- Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ được đào tạo hoặc công việc người lao động đã từng làm được ghi trong phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động;
- Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và được người sử dụng lao động tuyển dụng nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.
 
Hỏi: Người lao động khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp có phải nộp lại thẻ bảo hiểm y tế không?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP và khoản 6 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động không phải nộp lại thẻ bảo hiểm y tế khi chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 
Hỏi: Người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển hưởng nữa thì có được quay trở lại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp đề nghị chuyển hưởng để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì người lao động phải nộp lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.
Hỏi: Người lao động trong trường hợp nào được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
 
PBHTN- PV
Từ khóa: