Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
02:43 PM 19/10/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Câu 1: Ông Nguyễn Văn Tùng ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước hỏi: Theo quy định hiện nay thì những trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nào người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian chưa nhận trợ cấp thất nghiệp?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trừ trường hợp người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên nhưng không thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và trừ những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu trong quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có).
Câu 2: Anh Ngô Xuân Tường, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 6 tháng tại Đồng Nai, ngày 30/10/2020 tôi đã làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Tp. Hồ Chí Minh và đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, vì một số lý do cá nhân nên tôi không muốn chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Tp. Hồ Chí Minh nữa. Vậy tôi có được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Đồng Nai hay không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ thì trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có  nhu cầu chuyển nơi  hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì người lao động phải nộp lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để tiếp tục chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.
Như vậy, trường hợp của ông Ngô Xuân Tường nếu chưa nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì phải nộp lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi theo quy định nêu trên.

Câu 3: Chị Nguyễn Hoài Thu quận Cầu Giấy - Hà Nội hỏi: Người lao động có việc làm nhưng không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm thì có được bảo lưu thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận hay không

Trả lời

Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm nhưng không thực hiện thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận không được bảo lưu để làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo.

PV-PBHTN
Từ khóa: