Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
11:58 AM 10/11/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện về bảo hiểm xã hội, tiền lương cụ thể như sau:
Hỏi: Tôi đóng BHXH được 14 tháng, đã nhận BHTN, nay tôi không làm trong công ty, chuyển sang làm tự do nên ko đóng tiếp BHXH, vậy tôi có thể đóng sổ để nhận BHXH 1 lần được không?
Nguyễn Hiền Vân (Nghĩa Tân – Hà Nội) 
Trả lời:
Trường hợp của Bạn có thời gian tham gia BHXH 14 tháng đã hưởng BH thất nghiệp và không đóng tiếp BHXH, Bạn có thể chốt sổ BHXH để làm căn cứ hưởng BHXH một lần. 
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, tại Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Sau 01 năm nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Ra nước ngoài định cư.
- Mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục.
Nếu Bạn có nguyện vọng hưởng BHXH một lần và thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Bạn đủ điều kiện hưởng BHXH một lần.
 
Hỏi: Em muốn hỏi thủ tục hưởng chế độ thai sản khi chồng tham gia BHXH mà vợ không tham gia! Kính mong anh chị hướng dẫn.
1. Hồ sơ cần chuẩn bị những gì?
2. Nộp hồ sơ ở đâu? Ở tại cơ quan chồng hay tại cơ quan BHXH trong khu vực? 
Đỗ Tuấn Anh (Định Công – Hoàng Mai, Hà Nội)
Trả lời: 
Khoản 4 Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH quy định hồ sơ giải quyết hưởng chế thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con gồm:
Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp Giấy chứng sinh. 
Ngoài những giấy tờ nêu trên, có thêm:
-Trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật: Giấy xác nhận của cơ sở y tế nếu giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh không thể hiện sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật.
-Trường hợp con chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh.
-Trường hợp mẹ chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ.
-Trường hợp mẹ gặp rủi ro sau khi sinh: Biên bản Giám định y khoa.
Tiết 2.3.3 Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 11 Quyết định 636/QĐ-BHXH quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì người cha nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động nơi người cha đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản theo quy định.
 
Hỏi: Tôi đóng BHTN được 3 năm 10 tháng. Tôi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) 3 tháng hồi tháng 2, tháng 3 và tháng 4, được bảo lưu lại 10 tháng lẻ. Đến tháng 6 tôi ký hợp đồng đi làm tiếp và có đóng BHXH. Tuy nhiên vì một số lý do nên tháng cuối tháng 7  này tôi xin nghỉ việc để về quê. Vậy tôi có được TCTN nữa không?
Hiền Anh (Dục Tú, Đông Anh – Hà Nội)
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng TCTN tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định.
Trường hợp bạn đã được bảo lưu 10 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, nếu sau đó bạn tiếp tục đóng BHTN cả tháng 6 và 7 thì bạn đủ điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHTN (12 tháng) để hưởng TCTN. 
 
Hỏi: Tôi thuộc hộ gia đình cận nghèo và đã có thẻ BHYT. Hiện nay tôi đã có chồng và đã cắt khẩu sang gia đình nhà chồng. Nơi sinh sống của gia đình chồng tôi là xã đảo. Theo tôi được biết người ở xã đảo có mức quyền lợi BHYT cao hơn người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Vậy tôi có được chuyển đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT không?
Lê Thị Thuận (Ba Vì, Hà Nội
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT, thì “Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng quy định tại các Khoản 2,3,4 và Khoản 5 Điều 1 Thông tư này theo hộ gia đình trừ đối tượng quy định tại các Điêm a,l và Điểm n Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 1 Thông tư này, gửi BHXH cấp huyện”.
Trường hợp của bạn có thẻ BHYT cấp theo đối tượng cận nghèo, nhưng đã chuyển sang nơi cư trú mới thuộc xã đảo, huyện đảo. Vì vậy, đề nghị bạn thông báo cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ cận nghèo để được hoàn trả tiền đóng và nộp lại thẻ BHYT cấp cho đối tượng cận nghèo, đồng thời liên hệ với Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú mới để lập danh sách cấp theo đối tượng người đang sống tại xã đảo, huyện đảo.
Sở Lao động-Thương binh và Xã TP Hà Nội
Từ khóa: