Thời sự
Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP
03:50 PM 26/12/2022
(LĐXH)- Ngày 26/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết: Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu. Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Quang cảnh hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP 
Ở trong nước, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát từ 27/4/2021 đã tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động, nhiều doanh nghiệp lớn. Để hạn chế lây lan, các biện pháp kiểm soát dịch như giãn cách xã hội, cách ly, hạn chế đi lại được thực hiện chặt chẽ trên phạm vi rộng, trong thời gian dài, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến bị ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất, một số lĩnh vực như vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa thể thao... bị mất đi đà phục hồi của năm 2020 và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Người lao động, đặc biệt lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và đời sống.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định sự kịp thời của chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Trước diễn biến của đại dịch COVID-19, với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021, với các nguyên tắc cơ bản: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng các tiêu chí, điều kiện dễ tiếp cận; bảo đảm chính sách có tính khả thi, hiệu quả và mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách.
“Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên có một số hạn chế, song nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời. Nội dung các chính sách được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội...” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khẳng định: Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, đảm bảo an sinh toàn dân. Trong đó, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đã hỗ trợ số lượng lớn người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Công khai và minh bạch
Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 06 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ. Kết quả đã tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động (trung  bình 1.200 cuộc gọi/ngày, có ngày cao điểm lên đến 1.500 cuộc gọi/ngày), đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thiết lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện; mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) báo cáo kết quả Nghị quyết số 68/NQ-CP
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng ngay từ khâu xây dựng chính sách. Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc giám sát.  
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát tại 27 tỉnh, thành phố nắm tình hình, giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương. Kết quả đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại 09 tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Phú Yên, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, tuy nhiên đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ, đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức và cá nhân.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham luận tại Hội nghị 
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện một số Bộ, ban, ngành, địa phương phát biểu tham luận đều cho rằng: Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị liên quan được phân công đều tập trung cao cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng viễn thông, mạng xã hội (zalo, facebook…) trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, khách quan. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính: tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; phổ biến chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện từng chính sách để các đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai được thuận lợi; phản ánh kịp thời tình hình triển khai thực hiện của các địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Còn tại các địa phương, cùng với việc sử dụng các kênh thông tin đại chúng, tùy theo điều kiện thực tế, các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều có sự vào cuộc tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng như phát thanh cơ sở, phát tờ rơi, thông tin tại các bảng tin của tổ dân phố...
Các đại biểu tham luận cũng khẳng định, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được triển khai đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự triển khai mạnh mẽ của các Bộ, ngành và địa phương. Các chính sách được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, với sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

Chí Tâm

 

Từ khóa: