Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
(LĐXH) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập (17/4/1969-17/4/2024) và tổng kết, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam”.
Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Tham dự có ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và hội người mù các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam được thành lập. Đây là mốc son, dấu ấn lịch sử cho sự phát triển bình đẳng hòa nhập của người mù Việt Nam. Hội ra đời nhằm tập hợp người mù trên cả nước tham gia vào tổ chức Hội để được chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần; được học chữ, học nghề, tạo việc làm, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Hội đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của cộng đồng xã hội đối với người mù.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam báo cáo tại Lễ kỷ niệm
Trong 55 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, song các thế hệ cán bộ hội viên Hội Người mù đã đoàn kết, đồng lòng chung tay góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể và cá nhân đã nhận được những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ban ngành cấp ủy chính quyền và Trung ương Hội.
Trải qua hơn 9 nhiệm kì, Hội Người mù Việt Nam đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 58 tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 4 đơn vị là thành viên liên kết), 426 quận, huyện Hội, 532 Hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên. Bên cạnh đó, Hội đã thành lập Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù trực thuộc Trung ương Hội và hàng chục trung tâm của các tỉnh, thành Hội lần lượt ra đời đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội.
Trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, hiện nay, Hội đang quản lí 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4.000 lao động làm các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992 đến nay, Hội đang quản lí số vốn vay hơn 52,609 tỷ đồng theo kênh Trung ương và 18,76 tỷ đồng kênh địa phương. Hàng vạn hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao.
Chia sẻ của hội viên tại Lễ kỷ niệm
Cùng với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, Hội Người mù Việt Nam còn vận động sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp, trao quà trị giá hàng trăm tỉ đồng cho người mù nghèo, ốm đau, hoạn nạn hay khi tết đến xuân về. Nhiều người mù còn được mổ mắt trả lại ánh sáng. Ngoài ra, Hội cũng luôn động viên người mù thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn nét đẹp văn hóa.
Về đời sống văn hóa, tinh thần, Hội luôn kiên trì với phương thức dùng con đường văn hóa để tập hợp hội viên. Đến nay, hàng chục ngàn người đã đọc thông, viết thạo, gần 800 hội viên trẻ có trình độ đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông.
Song song với đó, Hội cũng thành lập Tạp chí Đời Mới với các loại hình: chữ Braille, phát thanh, chữ quốc ngữ, Cổng thông tin điện tử, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam, các tập nội san, trang Facebook, Fanpage, kênh Youtube của các đơn vị và hàng nghìn tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần mang lại thông tin, kiến thức, nối vòng tay yêu thương và thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội, đồng thời lan tỏa những tấm gương người khiếm thị giàu ý chí, nghị lực tới cộng đồng.
Trao tặng Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích
xuất sắc trong công tác hội
Cùng vói đó, Hội cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại, trở thành thành viên của Hiệp hội Người mù thế giới năm 1988. Đến nay, Hội đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và các kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, với sự tích cực hưởng ứng, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động năm 2019 đã mang đến hơn 28.650 cây gậy trắng cho người mù trong cả nước cùng nhiều lớp tập huấn sử dụng gậy được tổ chức, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Cũng theo ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, 55 năm là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử dân tộc nhưng với Hội đó là cả một chặng đường phấn đấu gian khổ, bền bỉ vì hạnh phúc của người mù. Hội đã thật sự là mái nhà chung, giúp người mù trong cả nước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tạo nên một thế hệ người mù năng động, tự tin hòa nhập cộng đồng với nhiều tấm gương tiêu biểu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hội Người mù Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách như: Hội chưa có tổ chức tại 5 tỉnh và hàng trăm huyện, thị; cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của các cấp Hội còn hạn chế. Tỷ lệ hội viên nghèo còn cao, người mù còn gặp nhiều trở ngại trên con đường học tập, tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội… Những khó khăn đó đòi hỏi các cấp Hội cần tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn hoạt động Hội với các chương trình của Nhà nước, của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động, giúp người mù phấn đấu vươn lên trong thời đại mới.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Hội Người mù Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác hội; trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam”./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh