Xã hội
Hội Phụ nữ với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
07:50 PM 27/07/2022
(LĐXH)- Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được các cấp Hội Phụ nữ trên cả nước coi trọng và thực hiện thông qua vai trò của người mẹ và gia đình. Nhiều hoạt động, phong trào, cuộc vận động và đề án liên quan được gắn kết, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Từ năm 2019 đến nay, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã lựa chọn chủ đề: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, trong đó có nhiều nội dung hướng đến trẻ em - để tập trung chỉ đạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mong đợi của xã hội, được Chính phủ, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức và cộng đồng quan tâm đánh giá cao và ủng hộ, nhiều hoạt động có sự tham gia của nam giới.
Các cấp Hội Phụ nữ chú trọng vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ em; hỗ trợ cha mẹ và các gia đình về kiến thức, kỹ năng và các điều kiện nuôi dạy con tốt. Việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em được đầu tư, chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, góp phần xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc. Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em được nghiên cứu xây dựng, thí điểm và nhân rộng.

Hội LHPN huyện Cẩm Khê, Phú Thọ trao kinh phí hỗ trợ học tập cho trẻ em mồ côi

Để tăng cường công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động thành lập mạng lưới các Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em; Ký kết chương trình phối hợp với các Bộ, ngành chức năng để gia tăng thêm nguồn lực và hiệu quả của chương trình...
Nhiều mô hình can thiệp do Hội LHPN các cấp xây dựng đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng để phụ nữ, trẻ em ứng phó với những nguy cơ mất an toàn. Ngôi nhà bình yên, Đường dây nóng 1900969680... của Trung ương Hội nhiều năm nay đã trở thành mô hình điển hình trong việc hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về và phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình. Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, các nhóm cha mẹ, mô hình tư vấn giáo dục trước hôn nhân, tổ tư vấn tại cộng đồng, câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch... đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em.
Hội LHPN các cấp xác định việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ (với vai trò người mẹ) là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hỗ trợ, giúp trẻ em có cuộc sống tốt hơn. Các cấp Hội đã tích cực, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, phát triển kinh tế, hướng dẫn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nâng cao thu nhập cho phụ nữ... Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, như: Phối hợp, nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội (với tổng dư nợ gần 100 nghìn tỷ), xây mới và sửa chữa 30.230 mái ấm tình thương, mô hình tiết kiệm có mục đích: “Tiết kiệm mua bảo hiểm y tế”, “Túi rác tiết kiệm”, “Tiền lẻ đẻ ra vàng”... Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939) đã truyền thông cho trên 7 triệu hội viên phụ nữ, hướng dẫn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho 34.428 phụ nữ, hỗ trợ thành lập mới gần 1.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ thành lập 523 hợp tác xã do nữ quản lý/tham gia quản lý; 9.202 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ vay vốn với số tiền 291,1 tỷ đồng.
Đại dịch covid 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, ảnh hướng lớn đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em bị nhiễm virus Sars- Cov 2, hơn 42.000 người đã bị cướp đi sinh mạng khiến cho hơn 4.300 trẻ em trở thành mồ côi, không nơi nương tựa, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, gia đình, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của trẻ.
Trẻ em mồ côi bị mất đi quan tâm, yêu thương, chăm sóc từ cha mẹ, người thân. Sự mất mát này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của trẻ, đồng thời, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cũng như nguy cơ có thể bị mất đi cơ hội thành công trong cuộc sống sau này... Hơn lúc nào hết, các em rất cần sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc kịp thời, phù hợp và lâu dài.

Đại diện Hội LHPN huyện Krông Ana (Đắk Lắk) trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Để khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài của đại dịch Covid 19 ảnh hưởng đến trẻ em, với quan điểm bảo vệ tốt nhất, hạn chế tối đa những tác động xấu đến trẻ em, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời. Chương trình “Triệu phần quà chia sẻ yêu thương” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm kêu gọi, huy động toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ , các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát huy tinh thần tương thân, tương ái cùng chung tay quyên góp, ủng hộ các phần quà hỗ trợ an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, đến nay đã vận động được gần 297,7 tỷ đồng, tương đương 992.313 phần quà (mỗi phần quà trị giá 300 nghìn đồng) hỗ trợ trực tiếp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid 19; “Quỹ tiếp bước cho em đến trường” vận động được gần 239 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải bỏ học giữa chừng...
Đặc biệt, hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid 19”, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của đại dịch Covid 19. Mục tiêu của Chương trình là vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồ côi do Covid 19, trong đó chú trọng công tác vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm và cam kết lâu dài. Đồng thời, Chương trình cũng hướng tới chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác, có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình được triển khai dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng các qui định của pháp luật về quyền trẻ em. Sự hỗ trợ phải sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương. Toàn bộ các nguồn hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng sẽ được công khai, minh bạch.

Đại diện Hội LHPN TP. Hà Nội và huyện Phú Xuyên thăm, tặng sữa

cho các cháu trường mầm non Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)

Ngay khi Chương trình được triển khai, Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc đã hưởng ứng và tổ chức thực hiện, rà soát, nắm rõ thông tin, hoàn cảnh của từng trẻ em mồ côi trên địa bàn, trên cơ sở đó xác định nhu cầu để xây dựng kế hoạch vận động, hỗ trợ và kết nối mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi, đặc biệt trẻ mồ côi do Covid 19. Các hoạt động hỗ trợ trẻ được triển khai kịp thời, bài bản và đúng nhu cầu; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm, tặng học bổng, chi phí học tập, bảo hiểm y tế...
Hoạt động chăm sóc trẻ hàng ngày tại nơi trẻ sinh sống đã được các cấp Hội đặc biệt chú trọng như: Động viên tinh thần, hướng dẫn, kèm cặp trẻ học tập tại nhà, hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân, hướng dẫn, giúp trẻ làm việc nhà. Theo báo cáo của 30 tỉnh, thành Hội, tính đến tháng 3/2022, đã có 5.233 trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu, trong đó có 1.918 trẻ em mồ côi do Covid 19.
Được sống trong không gian an toàn vừa là nhu cầu cơ bản, thiết thực, vừa là nhu cầu chiến lược cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid 19. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay đang có nhiều vấn đề xã hội đặt ra ảnh hưởng đến không gian sống an toàn của trẻ em như: Bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em, tai nạn thương tích, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid 19... làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, sức khỏe, đời sống của trẻ em, gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân.
Trước những thách thức trên, thời gian tới Hội LHPN Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện thông qua vai trò người mẹ và gia đình. Quan tâm, hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Lên tiếng mạnh mẽ, bảo vệ và chủ động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thúc đẩy và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng để tăng cường lên tiếng bảo vệ trẻ em. Huy động mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên trong lĩnh vực pháp luật để huy động trí tuệ, kinh nghiệm đảm bảo việc lên tiếng kịp thời, chất lượng và hiệu quả.
Tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tham mưu đề xuất chính sách liên quan đến trẻ em và vận động nguồn lực nhằm góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ em./.
Thảo Lan
Từ khóa: