Xã hội
Hưng Yên: Trỉển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công
05:06 PM 26/02/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 02/02/2023 về thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi chi trả trợ cấp cho người có công và bảo trợ xã hội qua tài khoản

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình UBND tỉnh số 87/TTr-SLĐTBXH về việc ban hành Quyết định quy trình tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng thông qua tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Kế hoạch triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ngày 17/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về việc triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Cùng với đó, Tỉnh đã tiếp tục tuyên truyền, vận động đối tượng thụ hưởng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo mục tiêu và lộ trình.

Đến nay, việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đạt được những kết quả bước đầu. Theo đó, đối với lĩnh vực người có công, Sở đã rà soát, tổng hợp số đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng chi trả không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh có tổng số đối tượng người có công hưởng trợ cấp hàng tháng là12.182 người; Số đối tượng đã thực hiện rà soát (tính đến ngày 30/11/2023) là 9.165 người, Trong đó: Số đối tượng có nhu cầu chi trả bằng tiền mặt là 9.049 người (chiếm 98,73% tổng số đối tượng đã rà soát). Số đối tượng có nhu cầu chi trả không dùng tiền mặt là 116 người (chiếm 1,27% tổng số đối tượng đã rà soát), gồm có: 103 người đã có tài khoản ngân hàng và 13 người chưa có tài khoản ngân hàng.

Đối với lĩnh vực Bảo trợ xã hội, tổng số đối tượng đang hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là 63.712 đối tượng. Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện phổ biến, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về việc chuyển đổi hình thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt; vận động đối tượng bảo trợ xã hội/người giám hộ/người được ủy quyền, người nhận kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng mở tài khoản tiến tới sử dụng hình thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

Đồng thời tổ chức thu thập thông tin về tài khoản ban đầu của đối tượng Bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tính đến nay, đã có 842 người có tài khoản và có nhu cầu chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tổ chức dịch vụ chi trả (Bưu điện tỉnh), Phòng Lao dộng - Thương binh và Xã hội cấp huyện, tổng hợp lập danh sách đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội đã có tài khoản tại ngân hàng thương mại; tuyên truyền, vận động đối tượng thụ hưởng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trong chính sách an sinh xã hội bằng nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo mục tiêu và lộ trình. Dự kiến từ tháng 01/2024, bắt đầu chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng qua tài khoản cho đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tuyên truyền tới cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về việc tích hợp, cài đặt và sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID để thực hiện các giao dịch điện tử, đặc biệt là nộp hồ sơ TTHC. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát thủ tục hành chính hiện nay đã có tài khoản để đối chiếu thông tin cá nhân và thông tin về nơi cư trú để thực hiện tiếp nhận hồ sơ mà không cần người dân, người đại diện doanh nghiệp phải xuất trình các giấy tờ liên quan đến các thông tin trên.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm; Đề án 06 có liên quan đến dữ liệu cá nhân, nhất là yếu tố an ninh, an toàn. Đề nghị Cơ quan Thường trực và các bộ, ngành tổ chức có các hình thức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ các cấp tham gia Đề án 06 để có thể nhận thức đầy đủ và triển khai thực hiện đúng tinh thần của Đề án, tránh việc rò rỉ thông tin của công dân. Cơ quan Thường trực và các bộ, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để việc triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 06 đồng bộ, thống nhất với các nhiệm vụ chuyên ngành.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 02/02/2023 về thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Rà soát, cập nhật chỉnh sửa bổ sung các dữ liệu dùng chung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, triển khai thực hiện dự án xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số của ngành, đảm bảo thời gian và tính pháp lý.

Tiếp tục nghiên cứu để cải tiến TTHC liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí/Hỗ trợ chi phí mai táng ngày càng khả dụng và phù hợp hơn với đối tượng Người có công và Bảo trợ xã hội. Đề nghị UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (máy tính, máy in, mạng số liệu chuyên dùng) cho cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, khai thác và cập nhật dữ liệu đối tượng./.


Hồng Phượng

 
Từ khóa: