Xã hội
Hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng chính sách an sinh xã hội
09:41 AM 03/02/2023
(LĐXH)- Bộ Lao động - Thương binh và Xã vừa có Công văn số: 5234/LĐTBXH-TTTT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
(ảnh minh họa)
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện theo hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:
1. Hướng dẫn thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt
a) Chủ tịch UBND xã/phường chỉ đạo cán bộ LĐTBXH xã/phường phối hợp với Công an cấp xã thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (sau đây gọi tắt là đối tượng) trên địa bàn, ưu tiên các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Trước mắt Công an cấp xã thực hiện xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi Bộ Công an hoàn thành kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Napas), Công an cấp xã thực hiện xác thực thông tin tài khoản trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
b) Công tác thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng phấn đấu hoàn thành trong Quý I năm 2023. Việc thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản của các đối tượng được thực hiện thường xuyên hàng tháng trước mỗi kỳ chi trả.
Thông tin thu thập bao gồm các trường thông tin tối thiểu sau đây:
- Họ và tên.
- Ngày/tháng/năm sinh.
- Số Căn cước công dân/ số định danh cá nhân.
- Nơi thường trú (xã/huyện/tỉnh)
- Số tài khoản hưởng trợ cấp ASXH của đối tượng hoặc tài khoản của cá nhân được ủy quyền (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác).
- Tên ngân hàng/nhà cung cấp dịch vụ nơi đối tượng mở tài khoản hoặc nơi cá nhân được ủy quyền mở tài khoản.
c) Sau khi xác thực xong, chủ tịch UBND xã/phường gửi danh sách cho phòng LĐTBXH tổng hợp gửi Sở LĐTBXH theo dõi. Sở LĐTBXH có trách nhiệm tổng hợp dữ liệu của các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn gửi Bộ LĐTBXH theo dõi, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
d) Khi hệ thống các cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội chính thức đi vào hoạt động, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Công an thực hiện việc xác thực thông tin đối tượng và thông tin tài khoản của đối tượng để hỗ trợ chi trả.
2. Hướng dẫn thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội
2.1. Nguyên tắc chung
a) Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng ASXH.
b) Việc lựa chọn các đơn vị, tổ chức dịch vụ chi trả do các địa phương lựa chọn theo quy định hiện hành.
c) Cơ quan LĐTBXH được giao nhiệm vụ chi trả mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại để nhận các khoản chi trả thanh toán cá nhân theo quy định tại Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
d) Quy trình thực hiện kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định tại các văn bản cụ thể sau:
- Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
- Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
- Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày 21/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
- Công văn số 6001/KBNN-KSC ngày 17/11/2021 của Kho bạc Nhà nước về việc thanh toán cá nhân qua tài khoản. Các nội dung hướng dẫn tại công văn này đã được đưa vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính (dự kiến ban hành trong tháng 01/2023).
2.2. Hướng dẫn cụ thể
a) Đối với địa phương đang thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng (chưa thông qua tổ chức dịch vụ chi trả): Đề nghị cơ quan LĐTBXH được giao nhiệm vụ chi trả lập danh sách các đối tượng hưởng chính sách ASXH đã có tài khoản, thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại. Đối với các đối tượng hưởng chính sách ASXH chưa có tài khoản, trước mắt thực hiện chi trả như hiện nay, đồng thời ngành LĐTBXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, vận động để đối tượng hưởng chính sách ASXH mở tài khoản tại ngân hàng thương mại.
b) Đối với các địa phương thực hiện chi trả đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH thông qua tổ chức dịch vụ chi trả:
i) Các địa phương đã có 100% đối tượng có tài khoản: thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại theo quy định hoặc yêu cầu tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả cho đối tượng qua tài khoản.
ii) Các địa phương chưa có đủ 100% đối tượng có tài khoản có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:
- Phương án 1: yêu cầu tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng đã có tài khoản. Đối với các đối tượng chưa có tài khoản, trước mắt thực hiện chi trả qua tài khoản của cá nhân được ủy quyền, đồng thời ngành LĐTBXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, vận động để đối tượng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
- Phương án 2: ngành LĐTBXH lập danh sách các đối tượng đã có tài khoản, thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại. Đối với các đối tượng chưa có tài khoản, ngành LĐTBXH lập danh sách, phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả trước mắt thực hiện chi trả qua tài khoản của cá nhân được ủy quyền, đồng thời ngành LĐTBXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, vận động để đối tượng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
3. Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tiếp tục quan tâm, chăm sóc đến người có công, đối tượng ASXH trên địa bàn, không để việc chi trả không dùng tiền mặt ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng này.
4. Đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách ASXH về Bộ LĐTBXH. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ để xem xét, điều chỉnh./.
PV