Xã hội
Huyện A lưới: Chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo vùng biên giới
09:36 AM 15/09/2017
(LĐHX) - Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, trong đó 12 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% đều thuộc địa bàn biên giới.
Điển hình phải kể đến xã Hồng Vân, đây  được coi là một trong những địa phương có số lượng hộ nghèo lớn nhất của huyện A Lưới. Toàn xã có 441 hộ nghèo trên tổng số 781 hộ (chiếm 56,46%), cao nhất tỉnh. Theo chuẩn tiếp cận đa chiều, các tiêu chí thiếu hụt ở xã chủ yếu là tiêu chí thu nhập, thiếu nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, đất và kiến thức sản xuất.
Chiến sĩ Đồn biên phòng của khẩu Hồng Vân tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới huyện A lưới
Thượng tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: Việc lồng ghép các chương trình chăm lo đời sống cho các hộ nghèo ở địa phương  là một trong các nhiệm vụ được cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân quan tâm thực hiện. Theo đó, đơn vị đã chọn một số hộ để tập trung nguồn lực giúp đỡ về phương tiện, tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Địa bàn đơn vị quản lý gồm 3 xã Hồng Trung, Hồng Vân và Hồng Thủy, đều là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện A Lưới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, năm 2017, đơn vị đã chọn 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân để phối hợp thực hiện hỗ trợ thoát nghèo. Cùng với đó là chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để hỗ trợ cho bà con, giúp bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế đạt hiệu quả.
Ông Lê Thanh Quầy ở thôn A Hố (Hồng Vân), một trong những hộ được hỗ trợ mô hình nuôi dê thương phẩm, chia sẻ: "Ngoài hỗ trợ dê giống, đồn biên phòng còn hướng dẫn gia đình kỹ thuật nuôi dê như làm chuồng trại, dự trữ thức ăn, chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho dê nên đàn dê nhanh lớn, cho thu nhập khá cao".
Cùng với hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và các điều kiện phát triển sản xuất, đơn vị có kế hoạch tiếp cận, tranh thủ các chương trình hỗ trợ về nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, các dịch vụ y tế, chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm… giúp đỡ bà con trên địa bàn các xã thoát nghèo bền vững.
Để có giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các xã biên giới, Ban chỉ huy các đồn biên phòng trên địa bàn huyện A Lưới thường xuyên làm việc với UBND các xã nhằm thống nhất nội dung cụ thể trong công tác giảm nghèo; khảo sát các hộ nghèo, cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân và nhu cầu của các hộ nghèo để có giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 – 2020, với chỉ tiêu mỗi xã giảm hộ nghèo 4%/năm.
Theo Đại tá Vũ Văn Uy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ các nguyên nhân nghèo đa chiều, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy tập trung hỗ trợ về phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện của đồng bào, khảo sát về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh để có kế hoạch hỗ trợ xây dựng đồng bào vùng biên giới.
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Uy, sự chia sẻ, giúp đỡ của các ban, ngành và cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng vai trò của cán bộ vận động quần chúng là rất quan trọng. Người nghèo cần được cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo. Vì vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trương tăng cường công tác vận đông quần chúng nhằm tạo động lực để người nghèo khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội...
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường khẳng định: Việc dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghèo là giải pháp mang tính căn cơ, bởi thực tế đa số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm. Do đó, cán bộ vận động quần chúng các đồn biên phòng đã tập trung định hướng tốt cho bà con học các ngành nghề đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến tại địa phương… Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho người nghèo mở hướng làm ăn mới để từng bước thoát nghèo bền vững.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân trong giờ tăng gia sản xuất
Ngoài việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào vùng biên giới, đơn vị còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, quy hoạch hệ thống vườn, giàn, chuồng theo hướng tập trung, hiệu quả. Ở tất cả các khu đất trống, các chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vaan cũng đã tận dụng để trồng cây ăn quả, trồng chuối lấy quả và phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh việc trồng trọt, đơn vị còn tổ chức chăn nuôi gà, heo, tận dụng các nguồn thức ăn dư thừa hằng ngày và rau xanh, duy trì  nuôi 5 con heo, 100 con ngan và đàn gà trên 100 con cùng với 2 ao cá rộng trên 1.000m2 thả 500 con cá trắm cỏ...
Từ việc trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội, giảm bớt các chi phí do biến động của giá cả thị trường. Hằng ngày, đơn vị đã trích từ quỹ tăng gia chi ăn thêm cho bộ đội trên 2.000 đồng/người và 50.000 đồng/người vào các ngày lễ, tết. Nguồn thu từ tăng gia cũng là nguồn quỹ để đơn vị tổ chức thăm, tặng quà các cháu học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt trong chương trình "Nâng bước em đến trường". Năm 2016, đơn vị đã nhận đỡ đầu 11 em, mỗi tháng hỗ trợ 250.000 đồng/em và hỗ trợ 25kg gạo/tháng cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân, qua đó, đã góp phần giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến lớp.

T. Quyên

 

Từ khóa: