Xã hội
Huyện Ba Bể (Bắc Kạn): Triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo bền vững
09:24 PM 17/08/2020
Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ba Bể có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, đời sống người nghèo được cải thiện.
Ba Bể là một trong 62 huyện nghèo và khó khăn nhất của cả nước, có diện tích tự nhiên là 68.412 ha, dân số trên 51 nghìn người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn và 15 xã với 206 thôn, bản, tiểu khu. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tại thời điểm rà soát cuối năm 2015 còn 3.956 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,04%; cận nghèo 1.908 hộ, chiếm 16,42%. Được sự quan tâm đầu tư từ các nguồn lực, sau 03 năm triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm 2017 còn 3.348 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,28%; cận nghèo 1.807 hộ cận nghèo, chiếm 15,26% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã thay đổi đáng kể, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tăng thu nhập của người dân và cải thiện cuộc sống của người nghèo.
Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đến tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa, giúp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Trong 03 năm (2016-2018), tổng doanh số cho vay là 198.301 triệu đồng/9.111 lượt hộ vay vốn. Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, và thấy trách nhiệm vươn lên thoát nghèo của bản thân.
Nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề được tham gia học nghề; trợ giúp cho lao động có kiến thức cần thiết để tham gia lao động sản xuất, tạo việc làm tại địa phương và tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, huyện Ba Bể đã triển khai thực hiện lồng ghép, gắn với việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời đào tạo các nghề xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Mô hình chăn nuôi giúp nhiều hộ dân trong huyện thoát nghèo bền vững
Công tác đào tạo nghề có chiều hướng tích cực, lao động sau khi học nghề đã tự tạo việc làm mới, hoặc năng xuất lao động, góp phần tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo được 23 lớp, với 694 lao động tham gia, trong đó có 17 lớp nghề nông nghiệp, 06 lớp phi nông nghiệp; giải quyết việc làm cho 3.465 lao động, trong đó lao động trong nước 3.239 người, xuất khẩu lao động 226 người.
Công tác khám, chữa bệnh được thực hiện đến các trạm y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người nghèo ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Kết quả trong 03 năm (2016-2018) toàn huyện có 54.096 lượt người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT; thực hiện miễn giảm học phí cho 18.647 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 10.251 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em theo Quyết định 60/QĐ-TTg cho 7.732 lượt học sinh...
Về chính sách hỗ trợ nhà ở, huyện Ba Bể đã đề nghị xét hỗ trợ cho 101 hộ, trong đó 23 hộ nghèo thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn); 77 hộ nghèo thuộc diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 01 hộ nghèo sống tại vùng khó khăn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số như: cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp các yêu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của người nghèo. Song song với đó, huyện đã hỗ trợ gạo cứu đói dịp tết nguyên đán, giáp hạt cho 5.153 nhân khẩu/2.059 lượt hộ, với số gạo hỗ trợ là 105.855 kg; Trợ cấp đột xuất cho 02 hộ gia đình bị cháy nhà tại xã Bành Trạch và Mỹ Phương; Phê duyệt danh sách hỗ trợ đột xuất cho 12 hộ dân/54 nhân khẩu di rời khẩn cấp nhà ở do nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản.
Thực hiện chính sách tăng cường cán bộ, tri thức trẻ cho các huyện nghèo theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, đến thời điểm hiện nay số trí thức trẻ tham gia tổ công tác 30a được bố trí tại các xã còn 44/60 đội viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội viên trí thức trẻ luôn chủ động tham mưu các công việc được giao; tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nghiên cứu đề xuất kịp thời về chủ trương chính sách để áp dụng tại địa phương, phát huy thế mạnh của địa phương, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo theo tinh thần nghị quyết 30a/CP.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018, huyện Ba Bể đã triển khai các chương trình 30a, chương trình 135, các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin, giám sát đánh giá, nâng cao năng lực... Riêng đối với chương trình 30a, trong 03 năm (2016- 2018), với tổng kế hoạch vốn được giao 59.795 triệu đồng,  huyện đã thực hiện đầu tư cho 42 công trình (trong đó 10 công trình khởi công mới, 32 công trình chuyển tiếp), bao gồm công trình đường giao thông, công trình thủy lợi, trường mầm non, trung tâm dạy nghề huyện, trạm y tế, đường điện... Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Huyện đã thực hiện 13 mô hình/300hộ hưởng lợi (02 mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản, 01 mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo, 04 mô hình trồng khoai môn, 05 mô hình cây ăn quả và 01mô hình trồng rau bồ khai). Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư của các chương trình, dự án đã đem lại nguồn lợi ích thiết thực cho nhân dân trong huyện như công trình thủy lợi, công trình đường giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất… Mặt khác, là huyện nghèo được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/CP; chương trình 135/CP của Chính phủ cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nên đã tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực đầu tư trực tiếp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở hộ nghèo, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống;
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đã tạo cho họ có kiến thức mới trong phát triển sản xuất, góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng thời gian sử dụng lao động nông thôn.
Có được kết quả trên, theo lãnh đạo huyện Ba Bể, cần có sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp mang tính quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của chương trình. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo tại cơ sở có chuyên môn, nghiệp vụ, lòng nhiệt tình, tận tâm, sâu sát cơ sở, có phương pháp vận động quần chúng, vững kỹ năng nghiệp vụ, phát huy sức mạnh tham gia của cộng đồng đặc biệt của các cán bộ thôn, bản ở vùng cao, vùng đồng bào dan tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh của 3 lực lượng là: bản thân đối tượng, cộng đồng và nhà nước; trong đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo của đối tượng và vai trò, sức mạnh của cộng đồng đảm bảo tính bền vững của Chương trình. Tăng cường tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm cho hộ nghèo về cách thức làm ăn, phân công cụ thể từng hội viên của đoàn thể làm ăn khá trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo, phát huy tính cộng đồng tại thôn, bản. Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội từ thiện, các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo.
PV
 
 
 
Từ khóa: