Huyện Chơn Thành: Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng thuộc chính sách
(LĐXH) – Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được huyện Chơn Thành ( tỉnh Bình Phước) triển khai hiệu quả, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Huyện Chơn Thành nằm ở phía Tây Nam của tình Bình Phước, gồm 08 xã và 01 thị trấn, có diện tích tự nhiên 390,34 km2, với trên 11.056 nhân khẩu; có 20 dân tộc anh em sinh sống. Chơn Thành được xác định là huyện phát triển công nghiệp trọng điểm của tỉnh, hiện nay huyện có 5 KCN đang hoạt động (Chơn Thành I, Chơn Thành II, Minh Hưng - Hàn Quốc, Minh Hưng III và KCN Becamex Bình Phước).
Sau nhiều năm thực hiện, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH triển khai đã góp phần quan trọng đối với công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay, dân số toàn huyện là 96.302 người, trong đó có 80.105 người trong độ tuổi lao động (chiếm 74,7% dân số). Trên địa bàn huyện đến nay còn 39 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,13% theo chuẩn mới. Mục tiêu của huyện là phấn đấu năm 2022 giảm 16 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,08%. Kế hoạch hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 2 nghìn lao động, cụ thể năm 2022 dự kiến giải quyết cho 2.949 người.
Đối với huyện Chơn Thành, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân trong thời gian vừa qua. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chơn Thành từ những ngày đầu thành lập (năm 2003) để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Khi đó tổng nguồn vốn cho các chương trình tín dụng của huyện là 12.062 triệu đồng, với 04 chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động nước ngoài, tạo điều kiện cho 2.607 khách hàng vay vốn.
Sau 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã không ngừng phát triển và mở rộng: Tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng toàn huyện đạt 262.859 triệu đồng với 11 chương trình tín dụng đang được triển khai (tăng 07 chương trình so với năm 2004), với 5.112 khách hàng đang còn dư nợ. Trong 20 năm đã giải quyết cho 9.458 lượt hộ nghèo được vay vốn, 2.949 khách hàng vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm… Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả đạt được là rất quan trọng, khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm mà NHCSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo. Từ cách làm đó đã giúp cho vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, tiết giảm thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. NHCSXH đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp xuống tận các xã, thị trấn, mạng lưới Tổ TK&VV thành lập tại các thôn, tổ dân phố, với phương châm phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Từ đó, đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, giúp cho các công ty, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, an toàn cho người lao động. Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện ủy, HĐND, UBND huyện./.
Nguyễn Hoàng
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55