Xã hội
Huyện Đà Bắc (Hòa Bình) huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo
04:32 PM 09/12/2022
(LĐXH)- Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 18,62%, giảm 5,13% so với năm trước, vượt 0,63% kế hoạch tỉnh giao; hộ cận nghèo còn 2.760 hộ, chiếm 18,83%.
Xác định cho vay vốn giúp người dân giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc đã có nhiều biện pháp phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại địa bàn, các tổ tiết kiệm.
Các thủ tục từ thẩm định, xét duyệt hồ sơ, giải ngân đến việc kiểm trao nguồn vốn cho các hộ vay vốn đều được thực hiện chính xác, nhanh gọn và hiệu quả. Nhiều hộ gia đình nhờ đó đã kịp thời tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bè lồng cá của hộ vay vốn ở Lau Bai, Vầy Nưa, Đà Bắc
Ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc cho biết, nhiều năm qua đơn vị đã tổ chức các chương trình tuyên truyền ở những địa bàn sâu và xa trong huyện về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm chuyển tải các nguồn vốn chính sách ưu đãi của ngân hàng một cách nhanh nhất, đảm bảo nguồn vốn không bị tồn đọng, đáp ứng được nhu cầu của bà con nhân dân hộ nghèo và các hộ chính sách khó khăn trên địa bàn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Theo báo cáo tình hình hoạt động tín dụng chính sách năm 2021 của huyện, có 3.903 lượt khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giải quyết việc làm cho 145 lao động nhàn rỗi, xây dựng được 1.197 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, giúp 363 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra có nhiều hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp được vay vốn chính sách cùng nỗ lực của bản thân từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định sinh kế và cải thiện, nâng cao đời sống. Đặc biệt các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách cho vay các đối tượng hộ nghèo giúp người dân mạnh dạn đầu tư con giống, cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và việc làm mới, xuất khẩu lao động trong thời gian gần đây được xem là "đòn bẩy” trong thực hiện công cuộc giảm nghèo ở địa phương. Thông qua tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động khi đi làm việc tại thị trường ngoài nước, đã có 12 người tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu đi Đài Loan.
Việc triển khai các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn cũng được đẩy mạnh với 5 lớp, tổng số 140 học viên. Hầu hết học viên sau khi được cấp chứng chỉ nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất của gia đình và ở địa phương. Toàn huyện tạo việc làm và việc làm mới cho 924 lao động, đạt 108,7% kế hoạch tỉnh giao.
Với đặc thù huyện vùng cao nghèo, hạ tầng cơ sở, điều kiện sản xuất còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương trong những năm tiếp theo cần được tăng cường hơn nữa.
Theo kế hoạch đào tạo nghề năm 2022 trong khuôn khổ tiểu dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo, Đà Bắc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn thông qua phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chương trình việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nước. Tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm trên cơ sở năng lực, nhu cầu thị trường việc làm, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp.    
Trong khuôn khổ các dự án của chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, huyện triển khai dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo. Theo đó, tại tiểu dự án 1, Đà Bắc được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hoá và tiếp cận dịch vụ cơ bản, bao gồm: công trình giao thông, cầu, hạ tầng, điện; công trình giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc gia; nước sinh hoạt, thuỷ lợi, công trình phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao.
Các loại công trình đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp mục tiêu của chương trình, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi. Hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu.
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện tiểu dự án 1 gần 246 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư trên 224 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 22,4 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động các nguồn vốn khác, như vốn vay ngân hàng chính sách, vốn người dân đóng góp./.
PV
Từ khóa: