Huyện Đơn Dương đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới
(LĐXH)-Với mục tiêu đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt được những kết quả rất quan trọng.
Ở Việt Nam, bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2007. Luật Bình đẳng giới tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giới nam và giới nữ; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cụ thể hóa và cam kết thực hiện các Điều ước quốc tế về quyền con người và bình đẳng giới mà Việt Nam là thành viên. Luật Bình đẳng giới ra đời được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đây là một kết quả lớn của chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại Lâm Đồng, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới được cụ thể hóa qua các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về sự tiến bộ của phụ nữ, về bình đẳng giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện; bố trí kinh phí, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Theo đánh giá, tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, công tác bình đẳng giới (BĐG) thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực hiện tốt mục tiêu BĐG và chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ được xem là giải pháp tích cực nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò của phụ nữ, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc triển khai Chiến lược quốc gia bình đẳng giới của tỉnh từng bước được cụ thể hóa, được triển khai từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn. Các mục tiêu BĐG được các cấp chính quyền Đơn Dương lồng ghép và thực hiện hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Thời gian qua, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh truyền thông về BĐG, tăng cường cả về chất lượng, số lượng và hình thức vận động, tuyên truyền, góp phần không nhỏ trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, toàn xã hội, các gia đình về BĐG. Do vậy, khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội đã dần được xóa bỏ tại huyện, nam giới và phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định.
Theo thống kê của huyện, số lượng nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Đơn Dương tăng so với nhiệm kỳ trước; số lượng cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện tới cơ sở chiếm khoảng 37%, nữ lãnh đạo chiếm khoảng 22%. Ở cấp xã, cán bộ chuyên trách là nữ chiếm khoảng 29% trong tổng số cán bộ chuyên trách.
Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm BĐG trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng được địa phương chú trọng với các chỉ tiêu như xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi 40 và cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn ngành giáo dục huyện từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông có khoảng 1.865 cán bộ, giáo viên; trong đó, giáo viên, công nhân viên nữ chiếm đến 58,77% với 1.096 người. Số lượng nữ là cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tương đương số lượng và tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên nam.
Một trong những đối tượng được sự quan tâm rất lớn của các cấp Hội Phụ nữ thời gian qua chính là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, chiếm đến 1/3 dân số, nhận thức còn hạn chế khiến tình trạng sinh con thứ 3 khá cao, bạo lực gia đình có xu hướng tăng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Hội đặc biệt quan tâm đến các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng ở cơ sở, các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền đối với bà con về Luật Hôn nhân, gia đình, vận động sinh ít con để chăm sóc nuôi con cho tốt, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chịu khó làm ăn phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Cùng đó, Huyện hội cũng phối hợp với các ban, ngành liên quan để vận động các nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Thông qua các nguồn vốn vay hỗ trợ, nhiều phụ nữ nghèo đã có cơ hội vươn lên, mạnh dạn làm ăn, cải thiện thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Các lớp tập huấn, đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật dành cho hội viên phụ nữ được địa phương tổ chức thường xuyên tại các xã, thị trấn được đông đảo chị em tham gia. Rất nhiều học viên sau khi tham gia các lớp trên đã tiếp cận được việc làm ổn định, thoát được nghèo.
Theo thống kê của địa phương, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện trong đó có phụ nữ đến nay đã đạt trên 39%.
Trong gia đình, việc xóa bỏ bạo lực gia đình cũng luôn được huyện quan tâm. Nhiều chương trình được tổ chức cho phụ nữ tham gia, như lớp dạy kỹ năng nuôi con cho các bà mẹ, các đợt tuyên truyền hướng dẫn chính sách thai sản đối với phụ nữ nghèo, giới thiệu Luật Hôn nhân và gia đình, chính sách bảo vệ trẻ em. Huyện hiện có một đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân, gia đình đang hoạt động rất tốt ở cấp cơ sở, qua đó, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Hội LHPN huyện lâu nay cũng đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp lồng ghép, tổ chức các chuyên đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, mở lớp tập huấn làm mẹ an toàn, các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe gia đình,… giúp nâng cao tình trạng sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Công tác chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh được thực hiện tại hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Đơn Dương vẫn còn không ít những vấn đề cần giải quyết để công tác BĐG được thực hiện tốt hơn. Đó là việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chưa rõ nét; sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, chính quyền về công tác BĐG chưa kịp thời nên các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em chưa được thực hiện triệt để ở các cấp, ngành; các hoạt động chuyên môn của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể.
Do vậy, huyện Đơn Dương cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường thêm biên chế thực hiện công tác BĐG từ huyện đến cơ sở; hỗ trợ địa phương kinh phí, kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền hiệu quả hơn về BĐG. Qua đó, góp phần xóa bỏ những khoảng cách, định kiến không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong mối quan hệ gia đình, xã hội./.
Nhật Minh
Từ khóa:
-
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
26-12-2024 10:43 24
-
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
26-12-2024 09:00 19
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
12-12-2024 15:32 54
-
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
25-12-2024 14:48 04
-
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
25-12-2024 14:47 32
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00