Xã hội
Huyện Hà Quảng- Cao Bằng: Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững
10:35 AM 26/02/2019
Với việc triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57,71% năm 2016 (4.554 hộ nghèo) xuống còn 41,15% năm 2018 (còn 3.346 hộ nghèo). Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Hà Quảng là hằng năm, huyện luôn chủ động điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm cơ sở để xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng loại đối tượng để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, xã; giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. 
Từ năm 2016 - 2018, toàn huyện có 2.876 lượt hộ nghèo được vay vốn, với tổng số tiền 97 tỷ 272 triệu đồng; 300 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, với tổng số tiền 13 tỷ 047 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, huyện đã hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 2 tỷ 448 triệu đồng.
Người dân xã Trường Hà phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC
Ông Nông Văn Sàu, xóm Lũng Quảng, xã Sỹ Hai chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn đầu tư nuôi lợn, bò, hiện nay, gia đình tôi thường xuyên duy trì  nuôi hơn 10 con lợn thịt, 4 - 6 con trâu, bò. Tôi đã có tiền trả vốn ngân hàng và vươn lên thoát nghèo.
Cùng với triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, huyện quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách xuất khẩu lao động cho người lao động. Có 3.155 người lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 10 người tham gia xuất khẩu lao động.
Để đầu tư cho chương trình giảm nghèo, huyện đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác. Trong 3 năm, từ các nguồn vốn, huyện đã đầu tư hơn 134 tỷ đồng để xây dựng hơn 50 công trình hạ tầng cơ sở. Hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số với số tiền trên 113 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng tiền điện cho hộ nghèo và hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội; hỗ trợ 56 hộ nghèo xây dựng nhà ở với kinh phí trên 2 tỷ đồng...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Nguyễn Thị Phương, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho các xã, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút, động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Số hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, lao động không có việc làm... Vì vậy, huyện xác định thay vì trao “con cá” cho các hộ nghèo, sẽ trao cho “cần câu” để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. 
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn của huyện Hà Quảng có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số khó khăn cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, như: Kinh phí cấp để thực hiện các nội dung chính sách trong đề án giảm nghèo được duyệt chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn kinh phí Trung ương bổ sung cho huyện nghèo còn thấp so với nhu cầu vốn thực tế của địa phương nên huyện mới chỉ tập trung thực hiện hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu và phát triển hạ tầng nông thôn; vẫn còn một bộ phận người nghèo, cận nghèo chưa thật sự chủ động vươn lên thoát nghèo…
Để chương trình giảm nghèo phát huy hiệu quả và thực sự mang tính bền vững, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Minh Hòa
 
Từ khóa: