Huyện Lục Ngạn: Nỗ lực thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó công tác giảm nghèo luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Lục Ngạn đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình; Quyết định về việc giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình; Kế hoạch về điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện... Phòng Lao động – TBXH trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đã ban hành kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 6 (Truyền thông về giảm nghèo đa chiều); Dự án 7 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình).
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2023 trên địa bàn huyện Lục Ngạn là 24.985 triệu đồng, trong đó: Kinh phí được cấp năm 2023 là 17.327 triệu đồng; Kinh phí cấp năm 2022 là 7.658 triệu đồng. Tiến độ triển khai, giải ngân vốn đến ngày 15/8/2023 là 3.409 triệu đồng, đạt 13,64% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2023.
Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí ngân sách trung ương cấp 10.437 triệu đồng, trong đó kinh phí cấp năm 2023 là 7.471 triệu đồng; Kinh phí cấp năm 2022 là 2.966 triệu đồng. Trong năm 2022, huyện đã giao cho các xã ĐBKK và xã có thôn ĐBKK xây dựng 12 mô hình, trong đó có 6 mô hình nuôi dê, 4 mô hình nuôi lợn nái, 2 mô hình máy cắt gỗ. Năm 2023, huyện phân bổ vốn cho 13/29 xã, thị trấn thực hiện Dự án 2. Đến nay các xã đang phối hợp với cộng đồng dân cư xây dựng dự án triển khai thực hiện.
Huyện Lục Ngạn đang tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2022, huyện Lục Ngạn giao cho Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuận nông nghiệp triển khai 3 mô hình, trong đó 1 mô hình nuôi lợn nái, 2 mô hình máy cắt cỏ tại các xã: Phú Nhuận, Cấm Sơn, Kim Sơn. Đến nay các xã đang tiến hành lập dự án. Năm 2023, giao cho UBND xã, thị trấn chủ trì triển khai tại 16 xã, thị trấn. Đến nay, các xã đang tiến hành lập dự án.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Năm 2022, Phòng Lao động -TBXH huyện chủ trì phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Phương Nam, Công ty TNHH cung ứng nhân lực Phương Lan và UBND các xã tổ chức khai giảng 17 lớp đào tạo nghề với 514 học viên, trong đó có 11 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp với 340 học viên và 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 174 học viên. Đến nay đã giải ngân được 2034,85/2.050 triệu đồng, đạt 99,26% kế hoạch. Ngoài ra, năm 2022, huyện đã tổ chức 18 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm với 2.869 người tham gia. Đến nay đã giải ngân được 310,222/332 triệu đồng, đạt 93,44% kế hoạch. Năm 2023, tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác hỗ trợ việc làm, 01 ngày hội việc làm; 05 phiên giao dịch việc làm; treo áp phích hỗ trợ việc làm đặt tại nhà văn hóa thôn.
Song song với đó, huyện Lục Ngạn cũng chú trọng dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Năm 2022, huyện đã giao Phòng Lao động- TBXH chủ trì tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, kinh phí 250 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân 231,03/250 triệu đồng, đạt 92,41% kế hoạch; Giao 9 xã ĐBKK đi học tập kinh nghiệm, đến nay đã giải ngân 317/317 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Năm 2023, giao Phòng Lao động – TBXH, UBND các xã, thị trấn chủ trì tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; 20 xã, thị trấn đi học tập kinh nghiệm.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được xác định là một trong các chương trình trọng tâm của huyện Lục Ngạn. Huyện đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo. Các xã, thị trấn là nơi trực tiếp quản lý và thực hiện chính sách đối với hộ nghèo cũng đã xác định được công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là chương trình mang tính chiến lược, lâu dài, hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Do vậy, đã chỉ đạo, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người dân hiểu và nhận thức đúng ý nghĩa, mục đích của Chương trình, từ đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Lục Ngạn đặt ra 03 mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện bình quân đạt trên 1%/năm; xã ĐBKK giảm bình quân 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3-4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là gia đình người có công với cách mạng. Đến năm 2025 có 3 xã: Đèo Gia, Phú Nhuận, Hộ Đáp và 7-8 thôn thoát ra khỏi xã, thôn ĐBKK. Kết quả thực hiện, đến thời điểm 01/9/2022, huyện Lục Ngạn còn 2.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,86% và 3.353 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,92%. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Cũng theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm, chỉ đạo, điều hành thống nhất, tập trung, quyết liệt. Việc xây dựng Chương trình cần phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, định lượng được và gắn với các giải pháp thực hiện. Các giải pháp về huy động, lồng ghép các nguồn lực phải được tính toán ngay từ khâu bắt đầu xây dựng Chương trình và có sự gắn kết với các mục tiêu cần đạt được.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích phân cấp giao quyền tự chủ cho cấp xã trong quản lý các dự án thuộc Chương trình. Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá phải được coi là hoạt động thường xuyên và phải có phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành và từng cấp. Đồng thời, cần thiết lập một hệ thống thông tin quản lý Chương trình nhằm nâng cao sự minh bạc, giúp cho người dân cũng như các cấp chính quyền địa phương có thể hiểu rõ ràng về chương trình và các mục tiêu đề ra. Vai trò của cán bộ trực tiếp thực hiện là một trong những nhân tố quyết định tới sự thành công của Chương trình. Vì vậy, cần có một chương trình đào tạo cho cán bộ làm chương trình, đặc biệt ưu tiên cho cán bộ cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, cũng cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng nguồn lực của Chương trình. Cụ thể là tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào quá trình xác định nhu cầu, đối tượng thụ hưởng, lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Các yêu cầu về công khai thông tin cũng cần được quy định rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia tích cực của cộng đồng. Phát huy nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự chủ động tham gia của người dân cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng và phân bổ nguồn lực; thực thi các chính sách, các dự án./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Chương trình "Tết cho trẻ em nghèo" trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
12-01-2025 20:07 40
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46