Xã hội
Huyện Mai Sơn: Nỗ lực giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số miền núi
05:07 PM 15/04/2020
Thống kê toàn huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) hiện có 37.774 hộ dân, trong đó số hộ dân tộc thiếu số là 27.220 hộ, chiếm tỷ lệ 72,06%. Số hộ nghèo năm 2018 là 6.983 hộ; chiếm 18,49% (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 6.743 hộ, chiếm 96,56% tổng số hộ nghèo); hộ cận nghèo là 2.545 hộ; chiếm 6,74% (trong đó hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 2.411 hộ, chiếm 94,73% tổng số hộ cận nghèo). Huyện có 21 xã và 1 thị trấn, trong đócó 3 xã vùng I; 11 xã vùng II và 8 xã vùng III.
Tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện
Thực hiện chính sách giảm nghèo, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2018, Hội đồng phổ biến pháp luật huyện phối hợp với UBND các xã thị trấn, tuyên truyền viên cấp xã tổ chức 6.076 buổi tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành cho 54.749 lượt người, phát 88.060 tài liệu miễn phí; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức 18 hội nghị tư vấn pháp luật cho các đối tượng là trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng các tổ hòa giải, trưởng các đoàn thể trong Ban quản lý bản, tiểu khu trên địa bàn với tổng số 1.194 lượt người tham gia; phát 1.194 bộ tài liệu miễn phí nội dung tư vấn, giải đáp, trao đổi kinh nghiệm trong xử lý các tình huống pháp luật tại các bản tiểu khu.
Phợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La thực hiện truyền thông trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tại các xã, bản nghèo đặc biệt khó khăn với 58 đợt cho 20 lượt xã nghèo và 159 lượt bản đặc biệt khó khăn, với 8.687 lượt người tham gia, phát tài liệu miễn phí cho 22.455 người. Cấp phát 7.000 tờ rơi, 6.000 bộ tài liệu tuyên truyền về Đề án 1956 tới các bản, tiểu khu, đơn vị trường học trên địa bàn; xây dựng mẫu đăng ký học nghề, thông báo tuyển sinh học nghề lao động theo chương trình liên kết dạy nghề và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn; tổ chức tư vấn học nghề gắn với tạo việc làm cho 9.138 lượt lao động của các xã, thị trấn.
Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cho bản đặc biệt khó khăn Bản Nghịu, xã Chiềng Dong
Ban chỉ đạo các chương trình MTQG huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban chỉ đạo chương trình 134, 135, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã chỉ đạo 22/22 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, thị trấn và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn quản lý; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. UBND huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các nội dung theo chỉ đạo của tỉnh, giao dự toán kinh phí hàng năm cho các phòng, ban, đơn vị để triển khai đến các xã, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Các chính sách như vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề miễn phí, hỗ trợ tiền điện đều được triển khai thực hiện một cách kịp thời, góp phần cải thiện đời sống của người nghèo, qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn 2016-2020, với tổng nguồn được giao trên 72 tỷ đồng, huyện Mai Sơn đã đầu tư 57 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó: đường giao thông nông thôn 25 công trình; hệ thống thủy lợi 08 công trình; điện 01 công trình; nhà văn hóa 11 công trình; nước sinh hoạt 08 công trình; Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ cho 3.653 hộ với 694 con đại gia súc; 29 con gia súc; 334 kg giống cây lương thực; 166.181 cây giống ăn quả và 409,7 ha diện tích trồng cây ăn quả; 102 mô hình phát triển sản xuất. Tập huấn, cung cấp thông tin, trang bị kiến thức pháp luật cho 1.826 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin như: Tiếp nhận 59 đài radio hỗ trợ cho 59 hộ nghèo, trong đó hỗ trợ cho 12 hộ nghèo (thuộc 8 xã) có thành viên đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng đạt 100%; 47 hộ nghèo tại 35 bản đặc biệt khó khăn thuộc 8 xã vùng 3 và 02 xã vùng 2; Tiếp nhận 13 trạm truyền thanh cơ sở tại 13/21 xã trên địa bàn huyện, trong đó đến nay có 03 trạm bị bỏng, xuống cấp không sử dụng được; Cấp phát cho các xã, thị trấn 44 quyển sổ tay truyền thông về giảm nghèo, 264 đĩa CD tuyên truyền về các mô hình giảm nghèo...
Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019, huyện Mai Sơn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,64%, bình quân hàng năm giảm từ 2-3% theo đúng mục tiêu đề ra. Số bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 đạt 18 bản, chiếm tỷ lệ 12,5%. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 37,8 triệu đồng, năm 2020 dự kiến đạt 40 triệu đồng tăng 10,8 triệu đồng so với năm 2016. 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật; 90,2% hộ gia đình nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% Trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 90,9% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 100%  hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt được cấp thẻ BHYT; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất.
Cùng với đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cũng như toàn thể nhân dân về chương trình giảm nghèo bền vững được nâng lên. Công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, các chính sách liên quan được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tầng lớp nhân dân về tiêu chí, yêu cầu mục tiêu, nội dung chương trình MTQG giảm nghèo bền vững góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong thực hiện MTQG giảm nghèo; huy động sự vào cuộc của cả xã hội vì người nghèo; phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân. Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm để triển khai các dự án thực hiện Chương trình./.
Hồng Phượng
 
 
 
 
Từ khóa: