Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện M’Drắk: Hiệu quả từ mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của xã hội
04:26 PM 03/12/2022
(LĐXH) - Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk và chính quyền địa phương các cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện M’Drắk đã triển khai mở nhiều lớp đào tạo nghề tại các thôn, bản trên toàn địa bàn huyện cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số. Sau khi được tham gia những lớp học nghề này nhiều người đã tìm được việc làm và tự tạo việc làm với mức thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trung tâm GDNN M’Drắk  trao chứng chỉ nghề cho các học viên kết thúc khóa học 

Về thôn, bản mở lớp dạy nghề

Theo ông Võ Thanh Hương, phụ trách công tác đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk cho biết, trên cơ sở nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương phân bổ về, thời gian qua Trung tâm đã thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn huyện. Cụ thể, để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề trước khi mở lớp đào tạo nghề cho người dân, Trung tâm thực hiện công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của người học ở những nơi định mở lớp. Trên cơ sở đó, Trung tâm xây dựng chương trình, triển khai mở lớp đào tạo những ngành, nghề sát với thực tế cung – cầu lao động của xã hội và đúng nguyện vọng của người học tại những thôn, bản trên toàn địa bàn huyện M’Drắk, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho học viên.

          Trong năm 2022 Trung tâm GDNN - GDTX huyện M’Drắk đã triển khai mở được 10 lớp đào tạo nghề cho 350 học viên là người dân trên địa bàn huyện với các ngành nghề xây dựng dân dụng, nghề may dân dụng, nghề điện dân dụng, nghề chăn nuôi heo, nghề chăn nuôi gà, nghề chăn nuôi trâu bò. Tham gia các  khóa đào tạo này, các học viên sẽ trải qua 2- 4 tháng tìm hiểu về ngành nghề theo học và những tiết học thực hành những kiến thưc cơ bản, nâng cao sát thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp đang cần tuyển dụng nhân lực. Kết thúc khóa học những học viên đủ điều kiện sẽ được Trung tâm cấp chứng chỉ đào tạo và nhận thêm chế độ hỗ trợ là 30.000 đồng/ngày thực học.

Theo Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk, các học viên được Trung tâm ưu tiên xét duyệt đào tạo nghề theo các Chương trình mục tiêu quốc gia là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế. Nhằm giúp họ tiếp cận kiến thức và kỹ năng nghề cơ bản nhất để có thể vận dụng ngay vào đời sống hàng ngày. “Phần lớn học viên tham gia lớp học này đều đã ý thức được mặt tích cực của việc học nghề nên tham gia đầy đủ các giờ học lý thuyết và tích cực cùng giáo viên thực hành thành thạo các thao tác của nghề. Hoàn thành khóa học, học viên cơ bản nắm vững được những kiến thức nghề và kỹ năng làm việc, đặt biệt là có sự thay đổi lớn trong tư tưởng và nhận thức về phương thức làm kinh tế”, ông Võ Thanh Hương chia sẻ.

Mang việc làm tới học viên

Lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng cho lao động nông thôn ở huyện M’Drắk

Ông Võ Thanh Hương, phụ trách công tác đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk cho biết, khi hoàn tất khóa học nghề các học viên sẽ được Trung tâm giới thiệu đến các đơn vị, doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk. Một bộ phận học viên tự tin tự tạo việc làm bằng chính nghề đã được học góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho các học viên đã hoàn thành các khóa đào tạo nghề, trong đó có  các công ty xây dựng trên địa bàn, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk giới thiệu nhiều học viên học nghề xây dựng đi làm việc ở các công trường lớn tại thành phố Nha Trang. Hiện còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng đã liên hệ với Trung tâm để đặt hàng tuyển dụng với số lượng lớn lên đến 500 lao động với các ngành nghề như xây dựng, may, điện... Đơn cử, học viên nữ Buôn Hí, xã CưM’ta tham gia lớp nghề may dân dụng đã Trung tâm kết nối và mạnh dạn tìm được việc làm tại một công ty may ở khu công nghiệp tại Bình Dương với thu nhập ổn định từ 7 – 9 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, người gặp may mắn như tìm được việc làm ở các doanh nghiệp lớn với mức thu nhập cao chưa nhiều bởi thực tế trên địa bàn huyện M’Drắk còn ít công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ không nhiều. Học viên sau khóa học nghề muốn vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty lớn được Trung tâm phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đi làm việc tại các địa phương khác như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... Để khắc phục hạn chế này, nhiều học viên được tư vấn tự tạo việc làm và đã thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Một số học viên ở nhóm nghề phi nông nghiệp tự thành lập nhóm sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình vương lên thoát nghèo. Trong đó, có số học viên qua được đào tạo nghề chăn nuôi đã tự phát triển quy mô kinh tế hộ gia đình; từng bước phát triển theo hướng chuyên môn hóa hàng hóa, thu nhập được nâng lên. Đơn cử như học viên  Nguyễn Văn Đường (xã Ea Riêng) sau khi được học nghề chăn nuôi do Trung tâm tổ chức đã thành lập tổ hợp tác xã chăn nuôi gà và đạt kết quả tốt.

Cũng như hộ ông Đường đã thành công với nghề chăn nuôi sau khi được học các lớp đào tạo nghề do Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk về bản mở lớp, hộ gia đình ông  Nguyễn Văn Minh, ông  Vũ Trung Thông (hội viên Hội nông dân xã Ea Riêng) mới đây đã mạnh dạn vay thêm vốn từ nguồn vốn vay của địa phương mở rộng phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình đình.  

 

Tương tự, nhóm học viên học nghề thợ xây sau khai khi hoàn thành khóa đào tạo đã được nhiều đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk tuyển dụng vào làm việc. Nhiều học viên nghề xây dựng đã tự thành lập tổ nhóm xây dựng để nhận thi công những công trình dân dụng tại địa phương với thu nhập ổn định. Trong đó, nổi bật có nhóm học viên tham gia học nghề xây dựng dân dụng tại Buôn Ea Lai, xã Krông Jing đã thành lập các tổ đội thợ xây thi công các công trình trên địa bàn huyện và một số nơi khác mang lại thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Trong những năm qua công tác đào tạo nghề gắn với việc làm tại huyện M’Drắk đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận

Ông Võ Thanh Hương phụ trách công tác đào tạo nghề Trung tâm GDNN- GDTX huyện M’Drắk cho biết, nhìn chung công tác đào tạo nghề trong thời gian qua của Trung tâm đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, trình độ đào tạo và nghề tuyển sinh phù hợp với nhu cầu người học và khả năng đáp ứng thị trường lao động. Tuy nhiên, Trung tâm nằm trên vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên về cơ sở vật chất, thiết bị thiếu thốn chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước đầu tư; năng lực của người học còn hạn chế về kiến thức phổ thông đầu vào. Nhưng với sự phấn đấu, quyết tâm của Ban giám đốc, đội ngũ giáo viên thời gian qua đã mang lại kết quả khả quan về chất lượng dạy và học tại các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại Trung tâm cũng như những  lớp nghề được mở ở tại các thôn, buôn, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, ổn định  kinh tế xã hội tại địa phương. “Phát huy thành quả đạt được, thời gian tới Trung tâm tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo các nghề mới phù hợp với người dân và phù hợp với phát triển kinh tế địa phương. Tiếp tục đổi mới phương thức truyền nghề theo hướng chuyên môn hóa các bước thực hành cho từng nghề. Đề xuất cấp trên thực hiện tuyển dụng đội ngũ giáo viên dạy nghề và đầu tư trang bị trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ được giao”: ông Võ Thanh Hương nhấn mạnh.

Trương Đăng