Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện Nam Trực (Nam Đinh) đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09:34 AM 13/12/2024
(LĐXH)- Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 19/8/2024 của Tỉnh ủy Nam Định, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung trên.
Theo đó, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực nhấn mạnh mục tiêu đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhập nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều người dân địa phương đã có việc làm ổn định
Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và thực hiện chính sách đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng địa phương. Nghiên cứu, triển khai các chương trình, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Huyện Nam Trực chú trọng tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh trước khi tham gia thị trường lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt lao động trong các cụm công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chế độ, chính sách đối với lao động nông thôn học nghề; qua đó giúp người lao động chủ động và tích cực trong lựa chọn, đăng ký tham gia học nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực cũng nhấn mạnh đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học.
Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn bó với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn; tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hiện đại, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh.
Có thể thấy, thời gian qua huyện Nam Trực rất coi trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song hành với nhiệm vụ này, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được tỉnh đặc biệt chú trọng. Để công tác đào tạo nghề ngày càng chất lượng, hiệu quả, yêu cầu đặt ra đó là đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Báo cáo của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên về công tác đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn cho thấy, trong năm qua, Trung tâm đã đào tạo nghề sơ cấp gồm các lớp: may công nghiệp K7 với 35 học viên, may công nghiệp K8 với 35 học viên, may công nghiệp K9 với 35 học viên, may công nghiệp K10 với 35 học viên, hàn điện K2 với 35 học viên, chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh  K2 với 35 học viên, đan Lát K1 với 35 học viên…
Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Do hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện đã được cải thiện.
Theo khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, sau khi học nghề, khoảng 80% lao động có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc tự mở cơ sở làm ăn, ổn định cuộc sống. Riêng với lao động học nghề may công nghiệp, trên 95% số học viên sau khóa học vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở may tại địa phương…/.
Hà Anh
Từ khóa: