Huyện Sơn Động thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi trong giảm nghèo bền vững
Huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đồng hành cùng bà con, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã triển khai hiệu quả các gói tín dụng, tạo thêm động lực để người dân phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo.
Mở hướng sản xuất mới
Gia đình anh Trần Văn Đoàn, thôn Tiên Lý, xã Yên Định nhiều năm thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, trong lúc loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, vợ chồng anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 46 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để trồng cây ăn quả.
Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, anh cải tạo hơn 3 sào lúa kém hiệu quả sang trồng hơn 100 cây ổi Đài loan. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, cây ổi phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ 4 tấn quả. Với giá bình quân 10 nghìn đồng/kg, mỗi vụ gia đình thu về hơn 40 triệu đồng.
Từ cây ổi, có tiền tích luỹ, anh tiếp tục nuôi gà thả vườn với số lượng gần 1 nghìn con. “Lúc khó khăn, thiếu vốn tôi được NHCSXH cho vay lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, anh Đoàn chia sẻ.
Mô hình nuôi thỏ của anh Giáp Văn Thông
Theo thống kê của NHCSXH huyện, 9 tháng năm nay, doanh số cho vay đạt hơn 190 tỷ đồng với 3.477 lượt khách hàng; mức vay bình quân 53,6 triệu đồng/hộ, cao hơn 9,6 triệu đồng so với năm 2020. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Trường hợp anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Linh Phú, xã Tuấn Đạo là một ví dụ.
Để mở xưởng sản xuất nước sạch đóng bình, đầu năm 2021, anh được vay 130 triệu đồng. Có vốn, anh mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, kho chứa hàng và nâng cấp dây chuyền sản xuất nước đóng bình. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất gần 1 nghìn bình, doanh thu hơn 80 triệu đồng/tháng. Cơ sở tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm nay, anh Giáp Văn Thông, dân tộc Tày, thôn Mật, xã Vĩnh An cũng được vay 78 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp để mua 2 con bò giống và mở rộng khu nuôi thỏ. Thời điểm này, bò giống chuẩn bị sinh sản, đàn thỏ bắt đầu được bán.
Ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Xác định nguồn vốn ưu đãi là đòn bẩy giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn đến với các đối tượng. Do chủ động rà soát, lập danh sách hộ có nhu cầu nên vốn nhanh chóng đến đúng người có nhu cầu”.
Không để ai ở lại phía sau
Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song 10 tháng năm nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất từ trước đến nay, đạt 11,9% (kế hoạch năm 8-10%). Hiện đơn vị đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hơn 583 tỷ đồng, tăng hơn 62 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, không phát sinh nợ mới.
Có được kết quả này là do ngay từ đầu năm, NHCSXH huyện chủ động thống kê các món nợ đến hạn trong năm, phân tích các trường hợp có nguy cơ quá hạn để tập trung giải quyết. Phân công từng cán bộ bám địa bàn, ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán phụ trách những vùng đông đồng bào DTTS sinh sống, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, kịp thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch xã Yên Định cho biết: “Đến nay cơ bản các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ gần 29,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.
Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, trung bình mỗi năm, Sơn Động có hơn 1 nghìn hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm. Mặc dù vậy, một số địa xã có mức tăng trưởng thấp; lãi tồn tại một số địa bàn vẫn cao; còn một món nợ chưa thu hồi được…
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 06 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; phân công trách nhiệm cho thành viên Ban đại diện, các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...
Ngoài việc thẩm định, phân bổ nguồn vốn vay, các tổ chức đoàn thể này còn có trách nhiệm cầm tay chỉ việc, giúp hộ vay vốn có phương pháp làm ăn, sản xuất hiệu quả để thoát nghèo, không để ai ở lại phía sau”.
PV
Từ khóa:
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
07-01-2025 09:06 13
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46