Khai mạc Hội thảo xây dựng Đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội
Sáng ngày 12/10/2017, tại thành phố Huế, đã diễn ra buổi khai mạc Hội thảo xây dựng Đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội, USAIDS Việt Nam và VNAH tổ chức. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH); đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Sở LĐTBXH các địa phương. Về phía các tổ chức quốc tế có: bà Vũ Thị Lệ Thanh, đại diện Tổ chức Unicef tại Việt Nam; bà Bà Nguyễn Thị Hoa Lê, đại diện USAID/Việt Nam; ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc VNAH.
Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giảng dạy đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế: TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội; PGS.TS. Bùi Anh Thủy, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học LĐXH tại Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS Sarah Gehlert, Hiệu trưởng Trường Công tác xã hội, Đại học South Carolina, Hoa kỳ; GS. Frances Crawford – Giáo sư công tác xã hội, Khoa Y thuộc trường ĐH New England, Australia; TS. Nguyễn Ngọc Hường, Trường Công tác xã hội South Carolina, Hoa kỳ; cùng đông đảo cán bộ, chuyên viên các Phòng Bảo trợ xã hội, các Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước.
Sự cần thiết xây dựng Luật thực hành Công tác xã hội
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 28% dân số, trong đó có 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 9,6% số hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma tuý, hơn 15.000 người bán dâm, khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, trộm cắp, tội phạm...).
Thực hiện Đề án 32, trong những năm qua, việc thực hành công tác xã hội đã đạt được những kết quả to lớn, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập, khó khăn. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu thốn; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế. Nhiều địa phương nhận thức chưa đúng nên chưa chủ động, chưa quyết liệt triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em...; chưa có Luật quy định riêng về công tác xã hội; các văn bản pháp luật quy định trực tiếp về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, ở cấp Nghị định và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
Từ thực tiễn đó, việc ban hành Luật thực hành công tác xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hồi cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ dự thảo đề cương chi tiết Luật thực hành công tác xã hội để có những bình luận, góp ý để Ban soạn thảo hoàn thiện Đề cương chi tiết trong thời gian sớm nhất.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày về sự cần thiết xây dựng Luật thực hành CTXH
Nội dung chính và lộ trình xây dựng Luật
Tại Hội thảo, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) nhấn mạnh: Việc xây dựng, ban hành Luật thực hành Công tác xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn đất nước, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế và khu vực. Luật thực hành nghề công tác xã hội sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội, nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân thực hành công tác xã hội; quy định đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp, bảo đảm về số lượng, chất lượng đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của xã hội; điều kiện, thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quản lý nhà nước về hành nghề công tác xã hội, hoạt động hiệp hội những người làm công tác xã hội và đào tạo công tác xã hội. Luật sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có làm công tác xã hội trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác.
Về lộ trình, ông Hà Đình Bốn cho biết: Từ năm 2016-2017: Nghiên cứu chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (Đánh giá tác động, xây dựng đề cương…); năm 2018: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (xin ý kiến các bộ ngành, đăng website, thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ). Năm 2019: Tháng 3/2019 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội kỳ họp đầu năm 2019 (khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2019) xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hôi khóa XIV). Năm 2020: Trình Quốc hội tại 2 kỳ họp: Trình quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2020; thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020.
Theo dự thảo Đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội do ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày, dự kiến Luật sẽ bao gồm 7 Chương, 84 Điều:
- Chương 1: Quy định chung;
- Chương 2: Người hành nghề công tác xã hội (gồm 5 mục: Mục 1 - Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người hành nghề; Mục 2 - Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi, chứng chỉ hành nghề; Mục 3 - Quyền của người hành nghề; Mục 4 - Nghĩa vụ của người hành nghề; Mục 5 - Hoạt động hành nghề công tác xã hội).
- Chương 3: Thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (gồm 5 mục: Mục 1 - Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội); Mục 2 - Thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập; Mục 3 - Đăng ký thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngoài công lập; Mục 4 - Điều kiện hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập; Mục 5 - Hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội).
- Chương 4: Quy trình, tiêu chuẩn và lĩnh vực dịch vụ công tác xã hội (gồm 2 mục: Mục 1 - Quy trình và tiêu chuẩn dịch vụ công tác xã hội; Mục 2 - Lĩnh vực thực hành công tác xã hội).
- Chương 5: Hiệp hội lĩnh vực thực hành công tác xã hội (gồm 2 mục: Mục 1 - Hiệp hội nghề công tác xã hội; Mục 2 - Hiệp hội đào tạo công tác xã hội).
- Chương 6: Quản lý về công tác xã hội và hành nghề công tác xã hội.
Chương 7: Điều khoản thi hành.
Theo Chương trình, Hội thảo sẽ nghe các bài tham luận: Khuyến nghị xây dựng khuôn khổ pháp luật phát triển nghề công tác xã hội do bà Vũ Thị Lệ Thanh, Unicef Việt Nam trình bày; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khuôn khổ pháp luật phát triển nghề công tác xã hội và khuyến nghị cho Việt Nam do GS.TS Sarah Gehlert, Hiệu trưởng trường CTXH, Đại học South Carolina, Hoa kỳ và TS. Nguyễn Ngọc Hường, Trường Công tác xã hội South Carolina trình bày; Luật pháp, chính sách về CTXH và thực hành CTXH tại Úc và khuyến nghị cho Việt Nam do GS. Frances Crawford – Giáo sư công tác xã hội, Khoa Y thuộc trường ĐH New England, Australia trình bày. Tiếp đó, Hội thảo sẽ đóng góp các ý kiến, bình luận về Đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội tại Việt Nam; đồng thời tiến hành chia 3 nhóm để thảo thảo sâu về các nội dụng cụ thể trong Đề cương chi tiết của Luật. Hội thảo xây dựng Đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội sẽ diễn ra từ ngày 12 - 13/11/2017. |
Ngọc Minh Châu
Từ khóa:
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường
23-01-2025 07:32 54
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31