Khánh Hoà: Khôi phục và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh bình thường mới
(LĐXH) - Do tác động của dịch Covid-19, nhiều người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị mất việc làm. Bên cạnh việc giải quyết nhanh các thủ tục để NLĐ sớm được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm cho NLĐ trở về địa phương...
Gần 20 nghìn lao động ngừng, nghỉ, mất việc làm
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà, toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với hơn 162.000 lao động. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm gần 20.000 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động; gần 300 doanh nghiệp phải dừng hoạt động; 70 DN bị phong tỏa, cách ly với gần 2.000 lao động.
Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, có khoảng 6.000 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với hơn 105.000 lao động đang làm việc. Trong đó, tại Khu Kinh tế Vân Phong có 90% doanh nghiệp hoạt động trở lại với gần 86% lao động; tại các khu, cụm công nghiệp có 95% doanh nghiệp hoạt động với hơn 90% lao động; các DN khác trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại đạt 65% với khoảng 60% lao động. Thời gian qua, có hơn 2.000 lao động từ các tỉnh phía nam được hỗ trợ đón về địa phương hoặc người dân tự trở về. Trong đó, có khoảng 40% NLĐ có nhu cầu, mong muốn được ở lại học nghể và làm việc tại địa bàn.
Nhận thấy đây là nguồn lao động góp phần cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hoà đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để khảo sát lại nhu cầu việc làm, học nghề của những NLĐ trở về từ các tỉnh, thành khác. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ thông báo đến người lao động để họ nắm bắt thông tin và tham dự các phiên giao dịch việc làm được tổ chức lưu động tại các địa phương để kết nối cho NLĐ gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng. Đồng thời, tư vấn học nghề, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho NLĐ lựa chọn thông qua website và các ứng dụng qua mạng xã hội…
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động; tăng cường kết nối cung - cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho NLĐ. Để triển khai hiệu quả giải pháp này, các ngành chức năng đang thực hiện rà soát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lại tay nghề cho lao động. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn giới thiệu việc làm, mở rộng các phiên giao dịch việc làm; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới. Công tác đào tạo nghề sẽ tập trung ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững. Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, có chính sách phúc lợi để thu hút và giữ chân NLĐ; tăng cường bổ sung vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ NLĐ vay vốn tự tạo việc làm, khởi nghiệp và mở rộng sản xuất…
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động
Sau hơn 3 tháng tạm dừng tuyển dụng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hải Vương Group (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) đang mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển hơn 500 công nhân chế biến thủy sản. Người lao động (NLĐ) được công ty hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn tay nghề trước khi vào làm việc; mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng và được thưởng năng suất, lễ, Tết, phụ cấp; được bảo đảm đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo quy định. Đơn vị còn thực hiện nhiều chế độ phúc lợi như: có phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ tiền xăng xe hàng tháng; khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; hỗ trợ nhà ở cho công nhân ở xa; hỗ trợ bữa ăn ca miễn phí... Được biết, Hải Vương Group có khoảng 3.000 nhân viên, trong đó có 2.500 công nhân. Mỗi năm, Hải Vương Group xuất khẩu hơn 60.000 tấn thành phẩm (trong đó có 50.000 tấn cá ngừ) đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trở lại. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của hơn 20 DN với số lượng tuyển gần 1.000 lao động chủ yếu ở các lĩnh vực: dệt may, chế biến thủy sản, cơ khí, bất động sản… Mức lương được các doanh nghiệp đưa ra từ 5 đến 20 triệu đồng/người/tháng (tùy theo vị trí công việc). Các doanh nghiệp cam kết bảo đảm đầy đủ chế độ, phúc lợi theo quy định của pháp luật.
Qua khảo sát, trong quý IV/2021, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng 7% so với quý III, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: Marketing - kinh doanh - thương mại; du lịch - nhà hàng - khách sạn; kiến trúc - xây dựng; chế biến thủy sản - công nghệ thực phẩm; dệt may - giày da. Cơ cấu trình độ đại học chiếm 6,23%, cao đẳng 7,58%, trung cấp 18,32%, sơ cấp 1,29% và lao động phổ thông 66,58%.
Để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang tập trung khảo sát nhu cầu việc làm của NLĐ trên địa bàn, nhất là lao động trở về địa phương từ tháng 6-2021 đến nay; đồng thời, thu thập nhu cầu tuyển dụng của các DN, nhất là DN tuyển dụng từ 300 lao động trở lên. Trên cơ sở đó, trung tâm tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2021, trung tâm sẽ tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm, trong đó 5 phiên tại trung tâm và 7 phiên lưu động tại các địa phương có nhiều lao động bị mất việc làm, DN có nhu cầu tuyển dụng lao động. Song song đó, tăng cường hoạt động tư vấn, kết nối cung - cầu lao động bằng hình thức trực tuyến; cung cấp thông tin người tìm việc, việc tìm người trên website: thongtinvieclamkhanhhoa.vn và các trang mạng xã hội để DN và NLĐ tự kết nối tuyển dụng; tiếp cận tư vấn việc làm phù hợp cho NLĐ đến đơn vị làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Riêng trong tháng 10, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm cho hơn 1.800 người, lũy kế từ đầu năm đến nay hơn 13.500 người; tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 770 người, lũy kế hơn 8.400 người; giới thiệu việc làm cho hơn 530 người, lũy kế hơn 7.300 người; có gần 100 người sau giới thiệu có việc làm, lũy kế hơn 1.800 người có việc làm.
Ngoài ra, Sở LĐ – TBXH Khánh Hoà còn yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của NLĐ, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động. Các DN cần cung cấp rõ thông tin về chính sách, quyền lợi cho NLĐ; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm tiền điện, tiền nước, hỗ trợ mức tối thiểu sinh hoạt hàng ngày để thu hút, giữ chân NLĐ. Sở sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động trẻ tham gia học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số 4.0…
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48