Lao động
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
12:03 PM 03/01/2025
(LĐXH) - Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có bước chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của người sử dụng lao động và người lao động từng bước được nâng lên. Công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của các đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm tổ chức thực hiện.
Năm 2024, Sở LĐTBXH đã phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 tại Trung tâm Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Các quận, huyện, thị xã và các khu công nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trong Tháng hành động, như: treo băngzôn, khẩu hiệu, cấp phát ấn phẩm, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Trong tháng hành động, đã có 28/45 công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 2.102 lớp tập huấn cho 67.300 lượt cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và người lao động. Trong dịp này, 04 công đoàn cấp trên cơ sở và 261 công đoàn cơ sở tổ chức thi an toàn, vệ sinh viên giỏi với 12.136 người trực tiếp tham gia bằng nhiều hình thức thi khác nhau như: thi  sân khấu hóa, thi viết, thi viết kết hợp trắc nghiệm. Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện đã góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trong việc quản lý, kiểm tra giám sát và thực hiện công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, giúp nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc ngăn ngừa TNLĐ, BNN, góp phần tăng năng suất lao động, đồng thời bảo đảm ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp nói riêng, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung.
Lễ Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân TP Hà Nội năm 2024
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp trên địa bàn được tập trung tăng cường; đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình tai nạn lao động; kịp thời thăm hỏi thân nhân, chia sẻ những khó khăn, mất mát trong các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên địa bàn. Qua kiểm tra, đã yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ các máy, thiết bị (có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động) vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng; xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị, công trình xây dựng vi phạm về an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường lao động đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.
Công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đặc thù về an toàn lao động được thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 1.330 đơn vị với 426.936 thiết bị nhập khẩu. Riêng tại các quận, huyện, thị xã (theo số liệu báo các từ các Phòng Lao động TB&XH): Tổng số lượt doanh nghiệp khai báo thiết bị năm 2024 là 686 doanh nghiệp; số trang thiết bị được khai báo là 4.510 thiết bị
Nhằm tiếp tục đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 394/KH-UBND ngày 31/12/2024 về việc an toàn lao động, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2025.
Theo đó, phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cao mất an toàn lao động, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động và triển khai các biện pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống dịch bệnh; hàng năm trung bình giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn TP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong tình hình mới, phấn đấu: 100% số người tham mưu công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động;
Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có môi trường làm việc nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.
Đảm bảo 100% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại các cơ sở đông lao động, cơ sở lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tập huấn, cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. Giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 50% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.
Đảm bảo 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thành lập được mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đồng thời, triển khai lồng ghép dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động, sức khỏe người lao động.
UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch An toàn lao động, vệ sinh lao động của UBND TP.
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tập trung triển khai tại các khu vực làng nghề có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và người lao động không theo hợp đồng lao động trên địa bàn quản lý. Chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch An toàn, vệ sinh lao động của TP.
Hà Giang