Xã hội
Khánh Hòa: Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
09:04 PM 24/10/2023
(LĐXH) - Để thực hiện đảm bảo các mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đề ra, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chủ trương chính sách; tập trung rà soát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách nhất.
Đoàn khảo sát liên ngành của tỉnh làm việc với UBND huyện Khánh Sơn về tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo
Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chính sách, dự án của chương trình MTQG giảm nghèo, các văn bản chỉ đạo của tỉnh để mọi người dân nắm và tích cực tham gia thực hiện. Phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng hiệu quả đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, nhiều địa phương đã có cách làm thiết thực hiệu quả như: hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; giới thiệu việc làm, hỗ trợ khó khăn đột xuất...
Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung xây dựng và ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó các văn bản về xây dựng quy định về định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Quy định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; Các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù.
Trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành, địa phương luôn trao đổi, phối hợp, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa ra đề xuất, kiến nghị. Đối với cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành phụ trách các dự án thành phần của Chương trình. Trong đó, đối với Dự án 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì hướng dẫn UBND các huyện nghèo thực hiện Dự án 1, gồm: Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo (gồm 02 huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh); Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (huyện Khánh Sơn). Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị, UBND các huyện tổ chức thực hiện.

 Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng: Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị, UBND các huyện tổ chức thực hiện. Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng: Sở Y tế là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn UBND các huyện tổ chức thực hiện.

 Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị, UBND các huyện tổ chức thực hiện. Dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo: Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện tổ chức thực hiện. Dự án 6. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin: Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nội dung. Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị, UBND các huyện thực hiện. Dự án 7. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị, UBND các huyện thực hiện.

Tỉnh Khánh Hòa có 02 huyện miền núi: Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được phê duyệt thuộc danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 275/2018/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Có 04 xã bãi ngang ven biển: Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh) theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2021, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo tại 02 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo được tập trung đầu tư đồng bộ đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ. Qua đó đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài thực hiện Dự án 1 thuộc chương trình MTQG giảm nghèo về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành Quyết định số 3349/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022-2025 và Quyết định số 3350/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2022-2025. Chú trọng thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của trung ương về ưu đãi tín dụng, giáo dục, y tế, nhà ở…, góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo để vươn lên thoát nghèo.

Ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Khánh Hòa cho biết: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa hết sức quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đến từng địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, trên cơ sở vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương vừa đảm bảo hoàn thành được mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bảo đảm theo Luật Đầu tư công, được giao trung hạn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, bố trí vốn phù hợp với đặc điểm, nhu cầu trên địa bàn. Chương trình được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ (hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo) đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc các cấp. Cùng với đó, Phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua rất quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương, nhất là đối với công tác hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, tạo điều kiện cho các nhà báo đồng hành cùng Chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ nghèo đa chiều: 1,39%; tổng số hộ nghèo: 10.826 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 3,20%; Tổng số hộ cận nghèo 16.478 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,86%. Theo kế hoạch, năm 2023 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,56% so với cuối năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ giảm còn 8.956 hộ (giảm 1.870 hộ), tỷ lệ hộ nghèo còn 2,64%.

Hồng Phượng

Từ khóa: