Xã hội
Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở một huyện vùng biển
03:13 PM 08/09/2023
(LĐXH) - Là huyện ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian qua, huyện Phú Lộc đã triển khai nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để giúp người dân thoát nghèo và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,74% (vượt 0,66% so với kế hoạch), tương ứng giảm 1,05 % so với năm 2021; giảm 380 hộ nghèo (từ 1.519 hộ xuống còn 1.139 hộ).
Hưởng ứng cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, các ngành, cộng đồng, doanh nghiệp đã vận động hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo huyện Phú Lộc với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Đặc biệt, đã huy động kinh phí hỗ trợ xây dựng 51 ngôi nhà ở với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ xây dựng 38 ngôi nhà cho ngư dân nghèo, khó khăn ở các xã bãi ngang ven biển với kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo
Bên cạnh đó, UBND huyện đã hỗ trợ mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi cho 64 hộ với gần 1,2 tỉ đồng đồng; tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn huyện và các vùng lân cận; đưa trên 200 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Thị trấn Phú Lộc là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Phú Lộc. Năm 2022, huyện Phú Lộc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 24 hộ nghèo; hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh cho 41 hộ; hỗ trợ mô hình sinh kế cho 54 hộ; vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi cho 42 hộ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 57 hộ; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 75 hộ; ưu đãi giáo dục-đào tạo cho 28 hộ...
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở Phú Lộc hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động nguồn lực tại chỗ để thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo ở địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo và cận nghèo; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền, ban chỉ đạo giảm nghèo ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục; người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
2 nguyên nhân cơ bản có tỷ lệ cao dẫn đến nghèo ở Phú Lộc là không có lao động và tỷ lệ người già, ốm đau, bệnh nặng, tai nạn cao… Tổng số hộ nghèo không có khả năng lao động trên địa bàn huyện 748 hộ. Trong số đó có 621 hộ nghèo hưởng chính sách Bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và 127 hộ nghèo không hưởng bảo trợ xã hội.
Phú Lộc có nhiều khu kinh tế và khu công nghiệp, có khoảng 300 doanh nghiệp nhưng việc tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo vẫn còn thiếu và yếu, cơ chế chưa đồng bộ...
Để công cuộc giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Phú Lộc quán triệt và triển khai rất nhiều giải pháp. Đó là, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 24 hộ nghèo; hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh cho 41 hộ; hỗ trợ mô hình sinh kế cho 54 hộ; vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi cho 42 hộ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 57 hộ; hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho 75 hộ; ưu đãi giáo dục- đào tạo cho 28 hộ...
Huyện cũng đã xây dựng cụ thể kế hoạch hỗ trợ phương án thoát nghèo của từng năm. Bên cạnh những cách hỗ trợ như lâu nay, huyện tiếp tục tập trung đổi mới phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững; chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp với trình độ sản xuất của người dân.
Từng hộ đã có từng kịch bản giảm nghèo. Các hộ khó khăn có điều kiện lao động, huyện chủ động sẽ làm việc với doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm cho họ, tạo động lực giảm nghèo; rà soát lại các danh mục dự án thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giảm còn dưới 1,5% và công bố là huyện không có hộ nghèo.
Duy Hưng
 
Từ khóa: