Xã hội
Khó khăn trong công tác trợ giúp người khuyết tật tỉnh Kon Tum
03:21 PM 12/07/2020
(LĐXH) – Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 – 2020 được triển khai trong thời gian qua đã góp phần giúp cho NKT thụ hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thiết lập được mạng lưới cộng tác viên PHCN tại 10/10 huyện, thành phố; 120 trạm y tế xã có phân công cán bộ phụ trách công tác PHCN được tập huấn trang bị các kiến thức cơ bản, các kỹ thuật tập luyện các nhóm bệnh thường gặp tại cộng đồng. Đến cuối năm 2019, có 181 trẻ khuyết tật được can thiệp sớm; khám sàng lọc cho 2.117 lượt NKT. Nhìn chung, hầu hết NKT đều được khám, phân loại, quản lý, theo dõi và có các biện pháp hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe phù hợp như: hướng dẫn tập PHCN tại nhà, điều trị tại bệnh viện, phẫu thuật chỉnh hình và làm dụng cụ trợ giúp... góp phần giúp NKT biết cách chăm sóc bản thân để phòng ngừa hạn chế các biến chứng nặng hơn.
Nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tập tiếp cận giáo dục, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, thống kê số trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để vận động trên 850 trẻ khuyết tật đến lớp (chiếm 56,3%); lập hồ sơ riêng và báo cáo đánh giá két quả học tập vào cuối năm; miễn, giảm học phí, cung cấp phương tiện, tài liệu, sách vở, đồ dùng học tập cho 100% trẻ khuyết tật. Năm học 2018-2019, tỉnh đã huy động được 53,6% số trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non; 87,4% trẻ trong độ tuổi tiểu học; 24,4% trẻ trong độ tuổi THCS; 6,33% độ tuổi THPT được tiếp cận giáo dục.
Trong công tác hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho NKT, tính đến cuối năm 2019, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề May dân dụng cho 20 lao động khuyết tật, trong đó tốt nghiệp 17 người; tổ chức Ngày hội việc làm dành cho NKT với 127 lượt người tham gia. Qua ngày hội,  có 21 NKT được nhận vào học nghề, tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Trung tâm Công tác xã hội Thành phố Kon Tum tổ chức 01 lớp đào tạo nghề làm chổi, thêu tranh, làm hoa voan... cho 08 lượt NKT.
Với mong muốn NKT được tham gia giao thông và tiếp cận các công trình xây dựng, Sở Giao thông vận tải luôn tuân thủ Quy chuẩn xây dựng QCVN 10:2014/BXD nhằm đảm bảo các công trình, dự án giao thông công cộng tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật. Theo đó, các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện việc miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT nặng tham gia giao thông bằng xe buýt; giảm tối thiểu 25% khi tham gia giao thông bằng xe ô tô vận tải khách tuyến cố định. Đến cuối năm 2019, đã có 480 lượt NKT được miễn  giá vé với số tiền trên 6,9 triệu đồng; có 28 phương tiện vận tải hành khách bố trí chỗ ngồi thuận tiện và có nhân viên phục vụ, lái xe trợ giúp khi NKT tham gia giao thông. Ngoài ra, tỉnh cũng áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, đảm bảo các nguyên tắc thiết kế giúp cho NKT tiếp cận và sử dụng. Đến nay, đã có 141 công trình như trụ sở cơ quan nhà nước, công trình văn hóa công cộng, thể dục thể thao, dịch vụ, giáo dục, y tế... đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho NKT tiếp cận và sử dụng.
Trong năm 2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tổ chức 12 đợt truyền thông phổ biến các chính sách về TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính tại 12 xã nghèo thuộc 03 huyện: Tu Mơ Rông, Đăk GLei, Kon Plong với 1.161 lượt người tham dự. Biên soạn in ấn, phát hành miễn phí 15.000 tờ gấp trợ giúp pháp lý; Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện tổ chức  42 chương trình trợ giúp pháp lý qua sóng phát thanh bằng tiếng Bah Nar, Xê Đăng với thời lượng từ 7 đến 10 phút. Ngoài ra, tổ chức 02 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho khoảng 140 đại biểu là công chức Tư pháp - Hộ tịch, hòa giải viên trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Kon Plong; biên soạn, đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Sở 02 Đề cương phổ biến pháp luật theo định kỳ; phát hành 3.300 cuốn văn bản, chính sách mới có các nội dung liên quan đến NKT...
Trao tặng xe đạp cho trẻ khuyết tật TP. Kon tum
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc triển chính sách trợ giúp NKT của tỉnh vẫn còn tồn tại một số mặt han chế. Công tác dạy nghề, tạo việc làm còn gặp nhiều khó khăn; việc miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch… chưa đạt hiệu quả cao; kiến thức, kỹ năng xác định mức độ khuyết tật mới chỉ mang tính tương đối. Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án chưa được quan tâm bố trí, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ y tế về phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT chưa cao; trình độ cán bộ chuyên môn phụ trách công tác PHCN không đồng đều; chưa có cán bộ chuyên sâu về PHCN, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công tác chỉ đạo tuyến cho các huyện và xã. Bệnh viện Y dược cổ truyền-PHCN chưa được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, cơ sở hạ tầng còn chật, hẹp, chưa đủ khả năng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do Bộ Y tế quy định như chưa có khoa chỉnh hình và sản xuất dụng cụ trợ giúp, khoa bệnh nghề nghiệp và khoa bệnh người cao tuổi...
Trên cơ sở đó, tỉnh Kon Tum đã kiến nghị các Bộ, ngành xây dựng bộ công cụ khảo sát liên quan đến NKT và các khái niệm về NKT để xác định mức độ khuyết tật cho dạng khuyết tật nhìn và khuyết tật nghe nói giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Y tế. Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho các trợ giúp viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho việc tư vấn, bào chữa. Tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và tạo điều kiện về kinh phí để Trung tâm tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tới từng thôn, làng có nhiều NKT.
Thục Quyên
 
Từ khóa: