(LĐXH) – Thời gian qua, Kiên Giang đã tập trung đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 12 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và 2/18 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới. Hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về trường học, trạm y tế, nhà ở, công trình nước hợp vệ sinh, văn hóa thông tin; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, góp phần chung cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương
Kiên Giang chú trọng đầu tư giúp người nghèo vùng đồng bào dân tộc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn vừa qua Kiên Giang tỉnh đạt mục tiêu, kế hoạch theo tiến độ đề ra. Hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cuối năm 2015 từ 10.346 hộ giảm xuống còn dưới 4.000 hộ vào cuối năm 2020, chiếm trên 5,2% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2 - 3%/năm, cơ bản xóa nhà tạm, dột nát và hơn 85% hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 29 triệu đồng/năm tăng lên trên 43 triệu đồng/năm.
Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều kết hợp với những dữ liệu khác có liên quan, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Theo đó, trong 3 năm gần đây, tỉnh đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng hơn 100 công trình cầu, đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, điện hạ thế; hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
...và luôn quan tâm đến công tác vay vốn ưu đãi cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình Tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 194 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ về nước sạch, đất ở, đất nông nghiệp, vốn phát triển sản xuất… Bên cạnh đó, Kiên Giang đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, vận động sự tham gia tích cực của các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các phong trào của phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên… tham gia hỗ trợ người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên. Các cuộc vận động như "Ngày vì người nghèo", phong trào " Cả nước nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"… kết hợp cùng với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả, tỉnh đã vận động được hơn 800 tỷ đồng để chăm lo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư, nhân lên sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Mục tiêu chung của kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững của Kiên Giang trong giai đoạn tới là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiếu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các xã đặc thù, phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, 50% số xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỉnh đã sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, đối tượng của chương trình. Đây là một trong những điều kiện để Kiên Giang tiếp tục có những định hướng cụ thể trong thời gian tiếp theo với những bước đột phá mang tính chiến lược về giảm nghèo bền vững nói chung và hỗ trợ cho đồng bào khu vực có đông người dân tộc thiểu số nói riwwng.../.
NHB