Xã hội
Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Tân Trường
03:24 PM 27/11/2018
(LĐXH) Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách xóa đói, giảm nghèo, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trường (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã vận dụng sáng tạo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước như các Chương trình 135, Chương trình 167, các dự án, chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh để triển khai thực hiện.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, cấp ủy, chính quyền đề ra các giải pháp hiệu quả, hợp lòng dân để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đặc biệt, từ khi có chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo, xã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý các dự án thuộc chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời triển khai các chủ trương, chính sách đến các đoàn thể và nhân dân. Phân công cán bộ phụ trách theo dõi địa bàn để tuyên truyền chính sách giảm nghèo cũng như giúp đỡ, hướng dẫn các thôn, các hộ nghèo trong quá trình thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Vận động nhân dân tham gia sản xuất, phát triển các hình thức chăn nuôi, trồng rừng, phát triển các mô hình vườn rừng, vườn nhà để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ.

Đường giao thông liên thôn ở xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa 

Đối với hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn xã tham mưu, đề xuất cấp trên hỗ trợ công cụ sản xuất, cây giống, vật nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Trong giai đoạn 2016 – 2018, từ dự án hỗ trợ giảm nghèo, xã có trên 300 hộ được hỗ trợ giống, vật tư và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ. Riêng năm 2018 có 24 hộ nghèo được hưởng lợi dự án mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bê cái trị giá 12 triệu đồng; 45 hộ được hưởng lợi dự án nuôi gà thương phẩm với tổng số tiền hỗ trợ 135 triệu đồng. Ngoài ra xã kết hợp với các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như Chương trình 135, chương trình vay vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, xuất khẩu lao động... để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã đầu tư xây dựng nhà lớp học 2 tầng 8 phòng cho trường THCS; xây dựng nhà văn hóa thôn 3, thôn 6, thôn Quyết Thắng; xây dựng trạm biến áp và đường điện đi bản Đồng Lách phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho 120 hộ người dân tộc Thái; nhựa hóa 3,5km đường trục chính, bê tông hóa đường giao thông liên xóm và nội đồng 4km; xây dựng 1,5km mương tiêu, 2,5km mương tưới. Có điện, đường, trường, trẻ em đi học được thuận lợi hơn, nông sản bà con làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn. Tư duy của người dân cũng dần thay đổi, biết từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết đầu tư vào buôn bán, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, mở các dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày. Do đó đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ dân đã xây được nhà kiên cố, mua sắm được ti vi, xe máy.
Đánh giá về công tác giảm nghèo, đồng chí Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết, xã đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Bên cạnh đó, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động do MTTQ và các đoàn thể phát động đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cùng sự quan tâm giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo đã góp phần làm chuyển biến trong xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, nếu như năm 2016 số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 18,2% thì năm 2017 xuống 13,8% và năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,2%.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bê, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, song hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên chính quyền địa phương và nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn tài chính cho giảm nghèo bền vững còn thấp, trong khi một số cấp ủy thôn chưa tập trung chỉ đạo, thiếu sự đôn đốc kiểm tra; công tác tuyên truyền về giảm nghèo chưa phong phú, đa dạng, chưa gắn liền với vấn đề tự an sinh của người nghèo cũng như chưa sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Một bộ phận người dân hiểu nguồn lực giảm nghèo là quyền lợi nghiễm nhiên được hưởng của hộ nghèo dẫn đến tâm lý trông chờ ỷ lại để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước...
Vân Sơn
 
Từ khóa: