Xã hội
Kon Tum thực hiện có hiệu quả chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020
02:29 PM 21/09/2020
(LĐXH)-Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong số đó phải kể đến việc triển khai có hiệu quả Chương trình 135, từ đó góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ cho người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Tỉnh có tỉ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm hơn 53%) với nhận thức còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn nên kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình 135 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với người dân vùng cao tỉnh Kon Tum. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đã có tác động lớn làm cho bộ mặt nông thôn ở các bản, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng như: hệ thống giao thông nông thôn, trường học...giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện, nước sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ... nên được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trong giai đoạn 2016-2020, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, Chương trình 135 đã thực hiện nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn như: Tổ chức 04 đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất có hiệu quả ở cơ sở, kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình 135, với 6.554 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức 78 hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng cộng đồng, cán bộ cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố với các nội dung: phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Chương trình 135 và các chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020; Vai trò của người dân trong tham gia thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Quy chế dân chủ cơ sở, bình đẳng giới trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn, nội dung về giảm nghèo đa chiều và công tác giảm nghèo, Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế xã hội và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo; Nghiệp vụ Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Kỹ năng giám sát thi công xây dựng công trình; Đấu thầu và đấu thầu cộng đồng; Nghiệp vụ giám sát đầu tư cộng đồng; Quy trình quản lý thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; kỹ năng quản lý Tài chính Ngân sách xã; Quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư; Hướng dẫn lập hồ sơ thi công xây dựng công trình, hồ sơ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Quy trình lập đề xuất kế hoạch và thực hiện kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng...
 
Người dân huyện Ia H'Drai được hỗ trợ chăn nuôi gia súc thoát nghèo
Chương trình 135 tỉnh Kon Tum đặc biệt tích cực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với 714 công trình như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt. Quá trình triển khai thực hiện đã huy động được sự đóng góp của nhân dân tham gia như: phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; công tác vận động, tuyên truyền đã thúc đẩy người dân tự nguyện góp hiến đất, cây cối, hoa màu và tham gia ngày công lao động để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn; nâng cao được trách nhiệm của nhân dân trong việc theo dõi, giám sát của cộng đồng dân cư. Trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình đầu tư cho đến tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng luôn có sự tham gia của nhân dân trên địa bàn.
Các công trình đầu tư xây dựng đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia thực hiện. Các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn phù hợp với quy hoạch khu dân cư và quy hoạch khu sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, nhìn chung đã đạt được những kết quả nhất định như: đường giao thông liên thôn, nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa, đi lại được cả 2 mùa mưa và nắng; các công trình thủy lợi đáp ứng đủ lượng nước tưới cho nhân dân sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất tình trạng hạn hán xảy ra; trường học cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh trên địa bàn các huyện.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Chương trình 135 cũng triển khai thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng: đã thực hiện duy tu 430 công trình các loại như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt... Để thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng sau đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng công trình đầu tư sau đầu tư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, liên ngành Ban Dân tộc-Sở Xây dựng có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hàng năm Ủy ban nhân dân các xã tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình, thông báo công khai cụ thể từng danh mục công trình cần duy tu bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng, tổ chức thảo luận và xây dựng kế hoạch thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã, sau đó trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và phân bổ nguồn vốn thực hiện trên cơ sở Quyết định giao vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh.  Thời hạn bảo hành duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng không quá 12 tháng đối với mỗi loại công trình, công tác thực hiện duy tu luôn chấp hành các yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định. Quá trình quản lý, khai thác sử dụng công trình luôn gắn với trách nhiệm tổ chức xây dựng nội quy sử dụng, phương án bảo vệ công trình thường xuyên; đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm như mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn..; thực hiện cắm biển báo nội quy công trình, đặc biệt là có kế hoạch kiểm tra định kỳ công trình để có biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại và có biện pháp khắc phục hư hỏng kịp thời.
Đối với công tác gỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn, Chương trình 135 của tỉnh đã thực hiện hỗ trợ như cây lương thực (giống lúa, ngô); cây công nghiệp (cây bời, keo lai); gia cầm (ngan, vịt); gia súc (trâu, bò, lợn dê); hỗ trợ làm chuồng trại; vật tư (phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật); xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò, bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất ....cho khoảng 8.090 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Nhờ đó đã giúp cho các hộ nghèo tiếp cận cây, con giống, vật tư phân bón và những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi và trồng trọt, từng bước tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời giảm nghèo một cách bền vững.
Nhìn chung, Chương trình 135 được Kon Tum thực hiện và phát huy tối đa hiệu quả. Các cấp chính quyền đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cơ sở từ việc rà soát xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiệ, mọi hoạt động  đều được triển khai một cách đồng bộ, dân chủ, công khai. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi đã phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, giao thương của đồng bào các dân tộc, đồng thời tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đối với hộ nghèo, thay đổi diện mạo đáng kể ở địa phương./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: