Xã hội
Vốn tín dụng chính sách với công cuộc giảm nghèo bền vững ở Sơn La - Kỳ 4: Một số tồn tại, bất cập cần tháo gỡ
11:05 AM 07/08/2020
(LĐXH) Có thể khẳng định vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, thực tiễn triển khai các chương trình cho vay vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua cho thấy vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần sớm được tháo gỡ để chính sách quan trọng này tiếp tục phát huy hiệu quả.
Vốn vay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Trao đổi với chúng tôi, từ lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh đến Phòng giao dịch tại các huyện, lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các Hội đoàn thể, tổ trưởng tổ TK&VV cho đến những người đã được vay vốn tín dụng ưu đãi đều cho rằng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hiện ở Sơn La hiện chưa đáp ứng được nhu cầu hiện còn rất lớn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, nhất là nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, sửa chữa, xây dựng nhà ở. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước nên vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho người nghèo, đối tượng chính sách vay còn rất khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn thực hiện của chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La là hơn 4.357 tỷ đồng thì  nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương chỉ là hơn 112,3 tỷ đồng, chiếm 2,58% tổng dư nợ.
Đồng chí Cầm Xuân Ế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La (người đầu tiên bên phải)
kiểm tra mô hình kinh tế có sử dụng vốn tín dụng chính sách tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Mặc dù vừa qua mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã được điều chỉnh nâng từ 50 triệu lên tối đa 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa được kéo dài từ 5 năm lên 10 năm nhưng do một số địa phương, cơ sở chưa gắn kết giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn nên còn bộ phận hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động trong sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp dẫn đến tình trạng phát sinh nợ quá hạn.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai băn khoăn: ”Theo qui định của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn thực hiện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo sẽ kết thúc giải ngân vào năm 2020, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn cho vay đối với những hộ dân chưa thực sự thoát nghèo bền vững, nhiều hộ có thể lại tái nghèo” .
Theo ông Lê Thái Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Sơn La, tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp xã đã nhận thức rõ vai trò của vốn tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quan tâm đến công tác chỉ đạo  triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhưng việc vận dụng, lồng ghép các chương trình, dự án với tín dụng chính sách còn hạn chế. Thêm vào đó,  do đặc thù thường xuyên có sự biến động về nhân sự tại các Hội, đoàn thể cấp cơ sở và Ban quản lý tổ TK&VV  nên chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ TK&VV mặc dù đã được nâng lên song vẫn chưa đồng đều ở mỗi địa phương. Một số cán bộ Hội đoàn thể cấp huyện và cấp xã chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm trong triển khai tín dụng chính sách và chưa thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La (người đầu tiên bên trái)
kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi tại xã Chiềng Ngần, TP Sơn La
Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả
Theo ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Sơn La, trước nhu cầu rất lớn của người dân, Nhà nước cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối là NHCSXH để quản lý và cho vay. Hẳng năm, HĐND và UBDN các cấp cũng cần tiếp tục dành một phần vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu năm để chuyển sang NHCSXH, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.
Để các hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, Nhà nước nên cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn qui định (thực hiện đến hết 31/12/2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm. Đồng thời, xem xét, nâng mức vốn cho vay một số chương trình, chính sách như: nâng mức cho vay đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, để tín dụng chính sách xã hội thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả hơn nữa rất cần có sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Họp Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại bản Lụng Há, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La
Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, đồng thời, giúp người dân hiểu và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đặc biệt, cần kết hợp công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của tín dụng đen đến đời sống gia đình cũng như trật tự an toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, các cấp, các ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan cần chủ động xây dựng chương trình, dự án gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề tại địa phương, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách thuộc đối tượng được vay vốn.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức, chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt, các tổ chức chính trị  - xã hội được ủy thác cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung được ủy thác; quan tâm lồng ghép hoạt động vay vốn với các chương trình trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình trên địa bàn.  Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, nhất là trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích, an toàn và phát huy hiệu quả.

Thảo Lan

 

Từ khóa: