Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022
(LĐXH) – Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới diễn ra vào chiều ngày 17/10/2019, đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Mục đích của Chương trình phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sau đây gọi tắt là hai Bên) trong việc đề xuất, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về bình đẳng giới (BĐG) vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) và sự phát triển toàn diện của trẻ em trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Nâng cao nhận thức, năng lực nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện cho đội ngũ cán bộ hai bên về giới, lồng ghép giới, BĐG, công tác VSTBPN, công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả phối hợp kiểm tra, giám sát chính sách, pháp luật về BĐG, công tác phụ nữ, trẻ em trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Chương trình phối hợp gồm 5 nội dung:
1. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em và người dân trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Tháng hành động vì trẻ em và các sự kiện khác có liên quan; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác truyền thông về công tác phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông vận động xã hội thực hiện chính sách pháp luật về BĐG, phụ nữ, trẻ em trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên.
2. Công tác xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phụ nữ, trẻ em và BĐG: Nghiên cứu, tổng kết Chiến lược quốc gia về BĐG 2011 - 2020 và đề xuất xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐG 2021 - 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật về BĐG, trẻ em, lao động, bảo hiểm xã hội; các chương trình, đề án khác liên quan đến phụ nữ, trẻ em và BĐG; Thực hiện việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; Đánh giá việc thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG, các công ước quốc tế có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và BĐG mà Việt Nam đã phê chuẩn; Phối hợp theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về BĐG, phụ nữ và trẻ em thuộc trách nhiệm mà mỗi Bên phụ trách; giám sát, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến BĐG, phụ nữ và trẻ em để phản ánh, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật liên quan.
3. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em góp phần thực hiện mục tiêu BĐG và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em: Hướng dẫn các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, chương trình có liên quan thuộc trách nhiệm mà mỗi Bên phụ trách; Đề xuất và thực hiện các đề án, chương trình giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; củng cố, xây dựng các mô hình, dịch vụ xã hội hỗ trợ phụ nữ và trẻ em hoạt động thiết thực và hiệu quả: nghiên cứu, xây dựng phím số bình yên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; vận động nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình thân thiện hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán trở về…; Duy trì, quảng bá Đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em (số 1900969680 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111)); xây dựng mạng lưới kết nối trực tuyến giữa tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, nhóm thường trực về bảo vệ trẻ em cấp xã với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
4. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai Bên: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực xã hội: chuyên ngành giới và công tác xã hội tại trường Đại học Lao động – Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam; Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và địa phương; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hai Bên về bình đẳng giới, về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, luật pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hai Bên; Nâng cao năng lực cho công tác phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và thực hiện quyền trẻ em ở các cấp; Đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu, rà soát, thống kê và cung cấp các chỉ số về bình đẳng giới, các thông tin định kỳ liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới làm cơ sở đề xuất chính sách pháp luật về bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em.
5. Các hoạt động hợp tác quốc tế: Đại diện hai Bên tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giới thiệu, chia sẻ kết quả thực hiện bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ Việt Nam, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và học hỏi kinh nghiệm quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương tại các diễn đàn quốc tế mà một trong hai Bên là đầu mối; Phối hợp chủ trì các hoạt động quốc tế về phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới tại Việt Nam; Phối hợp vận động, tổ chức triển khai thực hiện các dự án, sáng kiến tại Việt Nam do các đối tác phát triển tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật, chú trọng đến đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, trẻ em và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn, chương trình sẽ đạt được những kết quả rõ ràng nhất, hiệu quả nhất, để bình đẳng giới ngày càng hiện hữu trong cuộc sống. Và phụ nữ, trẻ em gái bớt đi những thiệt thòi và tiến bộ nhanh hơn.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hà, các cơ quan tham mưu của 2 Bên, ngoài những công việc thường xuyên như rà soát, đề xuất chính sách... cần tập trung vào các công việc như: hoàn thiện chỉ số về BĐG, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương về công tác BĐG, nhân rộng các mô hình để giúp cho những nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh khẩn cấp như: Nhà tạm lánh, Ngôi nhà bình yên… Để Chương trình phối hợp giữa hai Bên thật sự đạt hiệu quả, giải quyết được các vấn đề của cả 3 lĩnh vực: Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong thời gian tới./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa:
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55